Ba trong số loạt phim đáng chú ý tại Liên hoan Phim Cannes năm 2023 vừa qua sắp được công chiếu tại Việt Nam, đó là "Bên trong vỏ kén vàng" của Việt Nam (thắng giải Camera Vàng - Camera d'Or), "Quái vật" của Nhật Bản (thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất) và "Vầng trăng máu" của Mỹ với màn tán dương dài gần 10 phút.
Bên trong vỏ kén vàng
Là phim thuần Việt Nam đầu tiên thắng giải Camera Vàng cho đạo diễn trẻ xuất sắc nhất, "Bên trong vỏ kén vàng" (tựa Anh: Inside yellow cocoon shell) của đạo diễn Phạm Thiên Ân được giới mộ điệu cả trong và ngoài nước săn đón.
Phim nhận về 5 phút vỗ tay tán dương sau buổi công chiếu tại Cannes, nhận hàng loạt lời khen có cánh cho ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng từ các trang tin, tờ báo uy tín như RogerEbert, IndieWire, Variety...
[Cannes 2023: Mùa liên hoan phim đầy ý nghĩa cho đạo diễn người Việt]
Theo chân một người đàn ông đưa chị gái xấu số hồi hương và tìm lại cha cho người cháu trai, "Bên trong vỏ kén vàng" còn là hành trình khám phá của nhân vật chính khi kết nối lại với chính mình trong quá khứ.
Phạm Thiên Ân cho biết tác phẩm "phản ánh những chiều kích của tâm hồn con người, thứ mà chúng ta không ngừng tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể hoàn thiện, một cái gì đó kết nối với ước mơ, đam mê và cái chết không thể tránh khỏi."
Trang tin Screen Daily cho rằng tiếng nói điện ảnh của anh gợi nhớ đến nhà làm phim độc lập Thái Lan Apichatpong Weerasethakul. Ông là người Đông Nam Á đầu tiên thắng một giải Cành Cọ Vàng danh giá, cũng bằng chủ đề về cái chết, sự tái sinh và đức tin.
Phim do CGV phát hành, ra mắt khán giả Việt từ 11/8 năm nay.
Quái vật
"Quái vật" (Monster) cũng gây chú ý liên hoan phim vừa qua với tràng vỗ tay kéo dài 6 phút, với đạo diễn người Nhật Bản Hirokazu Koreeda.
Phim có đề tài LGBTQ+, giành chiến thắng không chỉ ở hạng mục Kịch bản mà còn "rinh" giải Queer Palm - giải dành riêng cho phim thuộc đề tài về giới này.
"Quái vật" được kể dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Chuyện phim xoay quanh một bà mẹ đơn thân nghi ngờ con trai mình bị không chỉ thầy giáo mà còn bạn bè ở trường bắt nạt. Trong mắt bà, thầy giáo này là một kẻ bê tha, bệ rạc. Tuy nhiên dưới góc nhìn của thấy giáo, cậu học trò nọ mới chính là người đi bắt nạt các bạn học khác.
Trang Rotten Tomatoes tổng hợp ý kiến của các nhà phê bình bằng tóm tắt: "Quái vật" là một kiệt tác khi chuyển đổi qua lại giữa các góc nhìn, gây bất ngờ vào phút cuối; chảy ngầm trong thái độ trắc ẩn của bộ phim là một sự tàn phá hoặc thái độ buồn bực, song chúng đều được thể hiện một cách rất nhẹ nhàng.
Trước "Quái vật," vào năm 2018, đạo diễn Hirokazu Koreeda đã giành giải Cành Cọ Vàng cho "Shoplifter." Phim cũng giành đề cử Oscar, Quả Cầu Vàng, BAFTA... cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2019.
Dự kiến phim ra mắt tại rạp Việt từ 21/7.
Vầng trăng máu
Là phim duy nhất trong 3 tác phẩm không nhận giải thưởng, song có nhiều điều đáng kỳ vọng ở "Vầng trăng máu" (Mỹ).
Phim có sự góp mặt của những tên tuổi hạng A tại Hollywood như Martin Scorsese ở ghế đạo diễn, Leonardo DiCaprio đóng chính, Robert DeNiro đảm nhiệm một vai phụ.
[Liên hoan phim Cannes 2023: Sự biến đổi của công nghiệp điện ảnh]
"Vầng trăng máu" (tựa Anh: Killer of the Flower Moon) do Apple TV đầu tư sản xuất. Phim dựa trên câu chuyện có thật, lấy bối cảnh thập niên 1920 tại bang Oklahoma (Mỹ) khi các thành viên của một tộc người da đỏ bản địa có tên Osage liên tục bị sát hại.
Sự xuất hiện của người da trắng và phát hiện lợi ích về dầu mỏ tại đây đã mở màn cho chuỗi tàn bạo khiến giai đoạn này được gọi là "triều đại khủng bố."
Phim có độ dài 3 tiếng, hứa hẹn nhiều tình tiết giật gân, có phần ghê rợn và thậm chí là cả không khí tang thương. Sau buổi công chiếu tại Cannes, đoàn phim nhận về gần 10 phút vỗ tay tán dương từ giới phê bình.
Chưa có thông tin cụ thể về độ dài phim liệu có được giữ nguyên hay không hoặc sẽ gắn mác độ tuổi bao nhiêu. Song dự kiến phim sẽ đến với khán giả Việt trong tháng 10 tới./.