3 tháng có 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng
Sáng nay (14/4), Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I, triển khai nhiệm vụ quý II.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, trong thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, tồn tại điển hình nhất trong 3 tháng đầu năm là có tới 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, làm 30 người chết, 23 người bị thương. Trong đó, Gia Lai có 3 vụ, Thanh Hóa có 2 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Tiền Giang và Thừa Thiên - Huế mỗi địa phương có 1 vụ.
Đặc biệt, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy tại Quảng Nam làm 17 người chết, là vụ TNGT gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Thống kê TNGT cho thấy, số người chết do TNGT đã tăng trong tháng 3 dù tính chung cả quý I vẫn giảm. Thực tế thời gian qua cho thấy, tình hình TTATGT vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, tạo nhiều thách thức lớn cho các cơ quan chức năng. Quý I vừa qua tập trung nhiều ngày nghỉ Tết, như nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 9 ngày) và Lễ hội xuân diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT trong 3 tháng đầu năm về cơ bản được bảo đảm, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Dẫu vậy, công tác đảm bảo TTATGT hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm phải khắc phục, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó phải có những biện pháp mạnh, dựa trên các phân tích nguyên nhân TNGT cụ thể.
13 địa phương tăng số người chết do TNGT trên 15%
Thông tin tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 2.762 vụ TNGT, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 662 vụ (-19,33%), giảm 67 người chết (-3,84%), giảm 739 người bị thương (-29,80%).
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 11 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hà Giang, Sơn La, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Ninh Thuận, Quảng Trị.
Cùng với đó, còn 24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 13 tỉnh tăng trên 15% là: Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đắk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Điện Biên.
Đánh giá về bức tranh ATGT 3 tháng đầu năm, ông Khuất Việt Hùng cho biết, cơ quan chức năng vẫn ghi nhận một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu, bia gây ra.
Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng tăng; Tình hình vi phạm tải trọng xe trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo nhận định của ông Khuất Việt Hùng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế hiện hữu trong công tác đảm bảo TTATGT là hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế;...
"Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa", ông Hùng nhận định.
Đi kèm với đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.