Di sản văn hóa - điểm tựa vững chắc để nâng cao vị thế quốc gia

18:28 - 15/10/2023

Bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam là góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam và thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Do đó, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định DSVH là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để x

Di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.

Di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.

“Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết...”

Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL, cả nước đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 9 di tích được UNESCO ghi vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (ngày 16/9/2023 Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng là di sản thiên nhiên thế giới), hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh); 64.000 DSVH phi vật thể, trong đó có 14 DSVH phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, 396 DSVH phi vật thể đã được ghi vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 1.390 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú (77 Nghệ nhân Nhân dân, 1313 Nghệ nhân Ưu tú); 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Cả nước có 185 bảo tàng, gồm 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản hơn 4 triệu hiện vật; có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó là gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục..., trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước...

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, bên cạnh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống DSVH này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Đơn cử như quần thể Di tích Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long khi mới được ghi danh DSVH và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn người thăm/năm, đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt người. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập Hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có hơn 1 triệu lượt khách/năm, năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh là DSVH và Thiên nhiên thế giới đã thu hút 6,3 triệu lượt khách tham quan...

Quan trọng là vậy nên trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định DSVH là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL-Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước về bảo tồn DSVH, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Sau này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật DSVH (2001); Luật sửa đổi, bổ sung Luật DSVH (2009); 9 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 15 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… đóng vai trò kim chỉ nam quan trọng mang tính chính thể trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, điều đáng mừng là nhận thức về di sản văn hóa ở các địa phương được nâng cao, thể hiện qua sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia…

Nuôi dưỡng tình yêu và ý thức bảo vệ di sản

Có thể nói, DSVH ngày càng chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa.

Ngày 6/9/2022, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới được tổ chức ở Tràng An, Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Việt Nam là một điển hình mẫu mực của mô hình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch, đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên”. Theo đó, một trong những hoạt động cơ bản của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị DSVH thời gian qua là việc nhận diện giá trị, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế, đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật; chú trọng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, đưa DSVH trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Cũng trong năm 2022, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày DSVH (23/11/2005 - 23/11/2022), Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương khi trả lời phỏng vấn truyền thông đã nhấn mạnh, DSVH ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, đó là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới” là một trong những giải pháp để chấn hưng văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, để cụ thể hóa các quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó “Bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH dân tộc” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện Chiến lược.

Các DSVH có giá trị lịch sử và văn hóa đã và đang được đặt dưới sự bảo hộ của Luật DSVH và các công ước của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia. Trong số gần 40 ngàn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật DSVH có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.601 di tích quốc gia, trong đó có 123 di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích của Việt Nam được UNESCO ghi danh là DSVH và thiên nhiên thế giới. Trong số gần 70.000 DSVH phi vật thể được kiểm kê có 433 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh (13 DSVH vật thể đại diện của nhân loại và 1 DSVH phi vật thể trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp).

Trong số gần 4 triệu hiện vật đang lưu giữ trong các bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập và các bộ sưu tập tư nhân có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Từ năm 2015 đến 2022, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 1.507 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Triển khai Luật DSVH, Chính phủ đã có Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 với mạng lưới gồm: Bảo tàng quốc gia; bảo tàng chuyên ngành; bảo tàng tỉnh, thành phố; bảo tàng đầu hệ và bảo tàng chi nhánh; bảo tàng tư nhân. Đến năm 2002, trên cả nước đã có 128 bảo tàng công lập, 66 bảo tàng ngoài công lập và hàng loạt các bộ sưu tập tư nhân chưa được thống kê đầy đủ...

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia Đặng Văn Bài, hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách đầu tư cho hoạt động bảo tồn DSVH là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho ngành di sản. Đối tượng cần được ưu tiên bảo tồn chính là các giá trị văn hóa/yếu tố cốt lõi - yếu tố bất biến trong DSVH. Mục tiêu lớn của các chính sách cần được luật hóa là: xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người để cơ chế thị trường có thể vận hành có hiệu quả cao trong lĩnh vực văn hóa nói chung và bảo tồn DSVH nói riêng.

Có cách tiếp cận liên ngành và hệ thống để sửa đổi, bổ sung các điều luật có liên quan tới tất cả các lĩnh vực DSVH (DSVH phi vật thể, DSVH vật thể, di tích, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu,…), tạo hành lang pháp lý rộng mở và cơ hội thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân dân gian, các cộng đồng cư dân địa phương có sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn của Việt Nam...

Nguồn: Pháp Luật Plus - Di sản văn hóa - điểm tựa vững chắc để nâng cao vị thế quốc gia (phapluatplus.vn)