Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh lên hơn 6.209 tỷ đồng
14:38 - 26/10/2023
Theo tờ trình của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 4.770,75 tỷ đồng thành 6.209,77 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trước đó.
Bộ GTVT vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Theo tờ trình của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 4.770,75 tỷ đồng thành 6.209,77 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ
Cơ cấu nguồn vốn của dự án cũng được đề xuất điều chỉnh gồm: Tăng chi phí do điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và sử dụng vốn đối ứng để thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật thay vì sử dụng vốn ODA của EDCF.
Cụ thể, dự án sẽ được điều chỉnh tăng nguồn vốn vay ODA của EDCF từ 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) lên 4.462,47 tỷ đồng (tương đương 188,12 triệu USD). Vốn vay ODA được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.
Đồng thời, điều chỉnh tăng nguồn vốn đối ứng từ 1.093,53 tỷ đồng lên 1.747,30 tỷ đồng, tăng 653,77 tỷ đồng. Vốn đối ứng được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; Chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; Thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác…
Tờ trình của Bộ GTVT cũng nêu rõ việc bổ sung thông tin dự kiến kế hoạch bố trí vốn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí khoảng 3.700 tỷ đồng, gồm: 2.692 tỷ đồng vốn nước ngoài và 1.008 tỷ đồng vốn đối ứng. Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến bố trí khoảng 2.509 tỷ đồng, gồm: 1.770 tỷ đồng vốn nước ngoài và 739 tỷ đồng vốn đối ứng. "Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT nêu rõ.
Thông tin về việc tổng mức đầu tư trình duyệt tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại chủ trương đầu tư (4.770,75 tỷ đồng), Bộ GTVT cho biết do các nguyên nhân gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng khoảng 353 tỷ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế, được Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Tháp báo cáo tại Văn bản 911/TTPTQĐ-QLPTQĐ ngày 30/8/2022; Chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng (tính theo định mức, tạm tính); Chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng.