Đề xuất phạt nguội không cần biên bản - vì sao nhiều tranh cãi?
09:58 - 03/03/2022
Nhiều bất cập trong công tác xử phạt nguội
Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) cũng cho biết, nếu áp dụng đề xuất xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không phải lập biên bản, người dân sẽ trực tiếp hưởng lợi vì không phải mất nhiều thời gian đi lại, tốn kém tiền bạc để giải quyết các thủ tục hành chính như hiện nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kể từ năm 2004, việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh đã được áp dụng và ngày càng được nhân rộng ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Các thông tin, hình ảnh thu được từ hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, các ngã tư trọng điểm.
Ngoài ra, CSGT cũng áp dụng phạt nguội vi phạm giao thông thông qua ghi nhận, xác minh hình ảnh người dân cung cấp hoặc trên mạng xã hội. Theo đó, để hoàn thành thủ tục nộp phạt, thông thường, tài xế sẽ nhận được phiếu thông báo của cơ quan CSGT về lỗi vi phạm, kèm theo bằng chứng ghi nhận hành vi vi phạm, sau khi đồng ý và ký biên bản vi phạm thì mới nộp phạt.
Với trình tự như vậy, nhiều người dân đã tìm cách trốn tránh, như phớt lờ thông báo, coi như không biết để không phải nộp phạt. Thậm chí, ở nhà chống dịch cũng trở thành một lý do để trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt.
Theo thống kê Cục CSGT, trong năm 2020, hệ thống camera ghi hình phục vụ phạt nguội trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện trên 120.000 trường hợp vi phạm. Hiện, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương đi đầu cả nước áp dụng hình thức phạt nguội qua hệ thống camera, với hơn 800 camera giám sát phục vụ phạt nguội vi phạm giao thông, trong khi Hà Nội chỉ có hơn 200 camera.
Dù vậy, công an thành phố cũng ghi nhận hiệu quả xử phạt vẫn khá thấp. Cụ thể, năm 2018, số người đến chấp hành quyết định xử phạt chỉ đạt khoảng 50%, tỷ lệ này trong các năm 2019, 2020 cũng chỉ đạt mức tương tự. Tại nhiều địa phương khác, tỷ lệ phạt nguội qua camera còn thấp hơn, thậm chí đạt dưới 20%.
Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh, việc xử lý vi phạm qua hệ thống này đã bị gián đoạn ở một số tỉnh, thành. Đơn cử, hệ thống giao thông thông minh, giám sát tự động bằng camera được Công an Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện trên quốc lộ 51 tại 18 nút giao thông từ đầu đường Võ Nguyên Giáp đến thị xã Phú Mỹ, đã được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2021 nhưng phải tạm dừng một thời gian do COVID-19. Cho đến giữa tháng 10 năm ngoái, hệ thống được vận hành trở lại.
Công an Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận nhiều khó khăn trong quả trình xử lý vi phạm, nhất là đối với những người ngoại tỉnh phải mất rất nhiều thời gian đến Bà Rịa – Vũng Tàu nộp phạt.
Phạt nguội không cần biên bản - khả thi không?
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, đề xuất phạt nguội không cần biên bản xuất phát từ xu hướng của thế giới và thực tiễn việc xử lý vi phạm giao thông.
Quả thực, từ bao lâu nay, nhiều nước đã áp dụng hình thức phạt nguội như trên thông qua chứng cứ trực tiếp là các phương tiện giám sát và đạt được hiệu quả cao. Ở Mỹ, chính quyền hầu hết các bang theo dõi và quản lý tài xế bằng hệ thống tính điểm, nếu số điểm phạt đạt ngưỡng pháp luật đặt ra, lái xe sẽ bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền cầm lái.
Chẳng hạn ở New York, khi bị cộng đủ 11 điểm hoặc hơn trong vòng 18 tháng, tài xế có thể bị treo bằng. Còn tại Úc, cảnh sát ghi hình được vi phạm, xác minh chủ xe, gửi thông báo vi phạm và hình thức xử phạt cho chủ xe trong khoảng 5 ngày thông qua thư hoặc email. Trong đó kèm theo bằng chứng vi phạm và thông tin hướng dẫn thủ tục nộp phạt cũng như thủ tục khiếu nại.
Với đề xuất xử phạt nguội không cần biên bản tại Việt Nam, có nhiều ý kiến ủng hộ, cho rằng đây là xu hướng tất yếu, bởi nhanh, tiện, tiết kiệm thời gian. Vì theo nguyên tắc phạt nguội, trường hợp người vi phạm không đóng phạt nguội theo quyết định, thì cơ quan nhà nước có nhiều biện pháp để cưỡng chế như khấu trừ tài khoản, hoặc sẽ cập nhật trên hệ thống để quản lý công dân và áp dụng các biện pháp chế tài khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những biện pháp này vẫn chưa được thực thi quyết liệt, đặc biệt khi đối tượng là xe máy, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vi phạm vẫn tiếp tục làm ngơ, chây ỳ.
Tuy nhiên, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cho rằng, đề xuất này hiện chưa phù hợp với quy định xử phạt vi phạm giao thông tại Việt Nam. Cụ thể, trong luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đặt câu hỏi, trong trường hợp không lập biên bản thì người dân có được bảo đảm quyền được trình bày, giải trình lỗi vi phạm hoặc chứng minh mình không vi phạm hành chính hay không?
Trong nhiều năm nay, lực lượng chức năng đã có nhiều đề xuất, cải tiến, áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý phạt nguội. Đơn cử như phối hợp với lực lượng công an địa phương đưa thông báo đến tận nhà người vi phạm, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm lên mạng internet để người dân dễ dàng tra cứu…
Cục CSGT cũng từng kiến nghị hình thức xử phạt qua tài khoản, qua thẻ ghi nợ nhưng vẫn chưa được áp dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả xử lý phạt nguội vẫn chưa như mong đợi. Mục tiêu người tham gia giao thông nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, xoá được tệ nạn mãi lộ trong lực lượng CSGT vẫn còn là “đường dài”.
Đỗ Trang
https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/de-xuat-phat-nguoi-khong-can-bien-ban--vi-sao-nhieu-tranh-cai-d177469.html