Đề xuất lập Quỹ đầu tư mạo hiểm lĩnh vực đường sắt
14:42 - 24/08/2024
Nhằm thúc đẩy công nghiệp đường sắt, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, như lập Quỹ đầu tư mạo hiểm phục vụ đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đường sắt.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 8 chương, 80 điều luật; giảm 2 chương và 7 điều so với Luật Đường sắt 2017 (hiện hành), với việc giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 7 điều và bãi bỏ 12 điều).
Lĩnh vực phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quy định tại Chương III của dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), gồm 9 điều (từ Điều 32 đến Điều 40).
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, như về chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm công nghiệp tại dự án, ưu tiên đầu tư...
Cụ thể, Điều 32 (Công nghiệp đường sắt) quy định: các sản phẩm công nghiệp đường sắt, gồm: thiết bị thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe, ray, phụ kiện liên kết ray và thiết bị có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định mới này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được Nhà nước đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, tiến tới từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu (ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện, phương tiện đường sắt...)
Tại Điều 33 (yêu cầu về phát triển công nghiệp đường sắt), dự thảo bổ sung quy định: "Dự án đầu tư xây dựng đường sắt có sử dụng công nghệ mới phải bao gồm công tác đào tạo vận hành, bảo trì; trường hợp cần thiết thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ" (khoản 3).
Còn tại khoản 5 quy định: "Nhà thầu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường sắt phải sử dụng dịch vụ, sản phẩm công nghiệp đường sắt có xuất xứ Việt Nam khi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng của dự án. Trường hợp mua sắm dịch vụ, sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế".
Ban soạn thảo cho biết, lý do bổ sung bởi công nghiệp đường sắt ở các nước chưa phát triển đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, ít được chuyển giao công nghệ hoặc có chuyển giao thì chi phí chuyển giao lớn. Luật Đường sắt 2017 chưa có quy định ràng buộc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, do đó để từng bước hình thành nền công nghiệp đường sắt cần cụ thể hóa các chính sách về chuyển giao công nghệ.
Về đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, tại Điều 34 sửa đổi, bổ sung quy định mới: Chính phủ quy định danh mục các sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc diện đặt hàng, giao nhiệm vụ và tiêu chí để chọn doanh nghiệp (đề xuất 2 phương án: doanh nghiệp trong nước, hoặc chỉ doanh nghiệp nhà nước) để đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung quy định mới này nhằm cụ thể hóa về tiêu chí thành lập, lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Cũng đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định mới: "Doanh nghiệp nhà nước được trích 1% doanh thu của doanh nghiệp để lập Quỹ đầu tư mạo hiểm phục vụ đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp đường sắt. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch. Chính phủ quy định cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp nhà nước".
Cùng đó, áp dụng các chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt, như: nhận ngân sách nhà nước để hỗ trợ mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ; hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ; không phải chịu thuế thu nhập cá nhân…
Theo Ban soạn thảo, nội dung trên nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt, nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp đường sắt, đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Nguồn: Đề xuất lập Quỹ đầu tư mạo hiểm lĩnh vực đường sắt (tapchigiaothong.vn)