Để xuất giải pháp phát triển mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông

09:21 - 15/03/2024

Sáng nay (14/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để xuất giải pháp phát triển mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông- Ảnh 1.

Mô hình một cây cầu thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Tra Lĩnh được triển khai theo phương thức đối tác công tư

Về chính sách tiền tệ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, cụ thể, sát thực tiễn. Cách đây hơn 3 tháng (ngày 07/12/2023), Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị với các chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng thương mại bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Ngày 05/3/2024, Thủ tướng tiếp tục có Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả.

Đại diện cho các doanh nghiệp giao thông kiến nghị đến Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: "Chúng tôi xác định "con đường vàng tạo ra giá trị vàng", Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư nhiều dự án giao thông theo mô hình PPP nhưng để làm tốt, giải quyết nhiều dự án hơn nữa cũng rất cần sự cộng lực của Nhà nước và các nhà đầu tư khác cách mà chúng tôi thường gọi là PPP ++".

Theo ông Hùng, dấu + đầu tiên là cần khơi thông cơ chế chính sách tạo nguồn lực cho các dự án PPP giao thông. Cụ thể, về phần vốn ngân sách nhà nước, theo quy định Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn, khó khăn thì quy định này không phù hợp.

Hiện nay đã có chính sách thí điểm về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lớn hơn 50% ở một số dự án. Do đó, ông Hùng kiến nghị Chính phủ cần tổng kết, nhân rộng và Luật hóa để nhiều dự án đảm bảo tính khả thi, có thể triển khai theo hình thức PPP, là nguồn vốn mồi, thu hút các nguồn vốn khác tham gia dự án PPP thông qua tổ chức kết nối các nhà đầu tư hạ tầng giao thông với bất động sản (bao gồm dân dụng, công nghiệp…) được xem như một phép cộng.

Về nguồn vốn tín dụng, ông Hùng cho biết, lĩnh vực hạ tầng giao thông là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên các chính sách về tín dụng chưa thể hiện sự ưu tiên, khuyến khích. Các nhà đầu tư đang phải huy động vốn từ các ngân hàng thương mại với thời hạn ngắn, lãi suất cao tương đương các lĩnh vực thương mại, tiêu dùng,…

Các ngân hàng thường không mặn mà với lĩnh vực này do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông đã triển khai gặp vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm (dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn)

Trên cơ sở đó, ông Hùng kiến nghị cần ưu tiên giải quyết dứt điểm các tồn tại của các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các ngân hàng đã tiên phong cho vay trước đây mặt dù chưa có chính sách tham gia vốn của nhà nước tại các dự án PPP.

Đồng thời, ông Hùng kiến nghị Chính phủ thành lập "Quỹ phát triển hạ tầng giao thông" hoặc giao Ngân hàng phát triển Việt Nam là ngân hàng đầu mối chủ trì thẩm định và cho vay các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư, với các điều khoản vay, lãi suất, thời hạn phù hợp với lĩnh vực.

Về nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, ông Hùng kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo đúng quy định pháp luật để huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông được thuận lợi.

Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thi công để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, lan tỏa dòng vốn này vào nền kinh tế. Điển hình là các vướng liên quan đến công tác GPMB, thủ tục chuyển đổi đất rừng, mỏ vật liệu, quản lý đơn giá, định mức,…

"Các vướng mắc này Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo tại các phiên họp chuyên đề cho các dự án trọng điểm. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy công việc. Về lâu dài, cần tổng kết để sửa đổi một số quy định về thủ tục chuyển đổi đất rừng, cấp mỏ vật liệu, quản lý đơn giá, định mức,… theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động triển khai", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, dấu + thứ hai là huy động nhiều nguồn lực đầu tư khác thông qua việc tổ chức kết nối các nhà đầu tư giao thông với nhau, kết nối với các nhà đầu tư bất động sản và các loại hình dịch vụ khác… cùng tham gia đầu tư mô hình PPP. Cụ thể là cho phép các địa phương ban hành cơ chế về TOD (định hướng phát triển đô thị, dịch vụ theo công trình giao thông) để huy động vốn nhà nước tham gia cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo phương thức PPP

Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công, các nhà cung ứng, cung cấp vật tư, thiết bị, vật liệu… phát triển và tối ưu sản xuất. Họ đều có thể trở thành các nhà đầu tư PPP khi tích lũy lợi nhuận từ thi công để tham gia đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ cần có hình thức khen thưởng để động viên các doanh nhân, doanh nhiệp vượt khó về cơ chế, rủi ro pháp luật và đã đóng góp nhiều cho sự phát triển giao thông, bất động sản, dịch vụ khác… tổ chức phong trào thi đua yêu nước cho từng công việc, từng dự án, từng mục tiêu để có nhiều hơn các doanh nghiệp dân tộc trong thời gian tới.

Nguồn: Để xuất giải pháp phát triển mô hình PPP trong lĩnh vực giao thông | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)