Đề xuất 700 tỷ đồng cải tạo điểm nghẽn vận tải đường sắt qua tỉnh Đồng Nai

16:30 - 14/08/2024

Nếu dự án cải tạo khu gian Long Khánh-Dầu Giây-Trung Hòa với chiều dài 19km được phê duyệt, vận tải đường sắt sẽ nâng cao năng lực khi điểm nghẽn xung yếu hạ tầng này được giải quyết.

Vận tải đường sắt vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn về hạ tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Vận tải đường sắt vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn về hạ tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bố trí 700 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2026-2031 nhằm cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Long Khánh-Dầu Giây-Trung Hòa với chiều dài 19km.

Cụ thể, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh chiều dài 1.726,2km, có 4 khu vực xung yếu được xác định là các điểm nghẽn về vận tải của tuyến là: khu gian Hòa Duyệt Km357+200-Thanh Luyện Km369+393; khu vực đường đèo Khe Nét (Km413+700-Km422+450); khu vực đèo Hải Vân (Km751+600-Km776+880); khu gian Long Khánh-Dầu Giây (Km1649+360-Km1661+320).

Trong đó, hiện có hai dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết các điểm nghẽn này gồm: Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện với tổng mức đầu tư 1.481 tỷ đồng, tiến độ dự kiến hoàn thành năm 2027. Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, với tổng mức đầu tư 2.011 tỷ đồng, hiện đang triển khai thi công.

Dự án cải tạo đường sắt đèo Hải Vân (bước nghiên cứu tiền khả thi), tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, dự án này đã tạm dừng để phối hợp nghiên cứu đồng bộ với dự án đường sắt tốc độ cao.

Riêng Khu gian Long Khánh-Dầu Giây chưa có dự án nghiên cứu cải tạo, sửa chữa. Vì vậy, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất dự án trong giai đoạn 2026-2031 để xử lý điểm nghẽn này, đảm bảo an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho vận tải./.

Nguồn: Đề xuất 700 tỷ đồng cải tạo điểm nghẽn vận tải đường sắt qua tỉnh Đồng Nai | Vietnam+ (VietnamPlus)