De dien anh Thanh pho Ho Chi Minh but pha, vuon tam quoc te hinh anh 1Khởi chiếu từ mùng 1 Tết, đến nay, phim “Nhà bà Nữ” đạt doanh thu gần 458 tỷ đồng. (Nguồn: Facebook Trấn Thành)

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước khi chiếm thị phần phim ảnh với khoảng 40%.

Tuy nhiên, để ngành điện ảnh thành phố xứng tầm quốc tế, cần có chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững hơn.

Thị trường tự phát, thiếu chiến lược

Có thể nói thành công từ mùa phim Tết Quý Mão 2023 mang đến sự phấn khởi cho các nhà làm phim về những bộ phim đạt doanh thu cao ngoài mong đợi.

Chính những tín hiệu vui về doanh thu cùng hành lang pháp lý tạo điều kiện phát triển cho phim nội địa, góp phần mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành điện ảnh Việt nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo Box Office Việt Nam (Trang thống kê phòng vé độc lập), đến nay, phim “Nhà bà Nữ” đạt doanh thu gần 458 tỷ đồng, “Chị chị em em 2” đạt hơn 121 tỷ đồng. Doanh thu phần lớn đến từ các khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

["Nhà bà Nữ" khởi chiếu tại phòng vé quốc tế trong tháng Ba]

Dù chỉ mới ra rạp ngày 3/3 nhưng Siêu lừa gặp siêu lầy đã thu gần 65 tỷ đồng, đang đứng đầu trên bảng xếp hạng doanh thu hằng ngày, vượt nhiều tác phẩm nước ngoài.

Là người hai lần liên tiếp phá kỷ lục phòng vé, nghệ sỹ Trấn Thành chia sẻ khán giả Việt Nam rất yêu phim Việt bởi phim có nội dung gần với cuộc sống, dễ nghe, dễ cảm.

Theo nghệ sỹ Trấn Thành, mỗi bộ phim là sao chép cuộc sống bằng ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, diễn xuất qua cách kể chuyện cá nhân của một người. Tất cả các phim điện ảnh thành công trên thế giới đều chứa đựng yếu tố cá nhân từ đạo diễn. Do đó, một bộ phim mang đến góc nhìn lạ chưa ai phát hiện chính là bộ phim thành công.

Nhận định về thị trường phim tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố, cho rằng mặc dù thị trường điện ảnh sôi động, các phim có tổng doanh thu cao nhưng thành phố chưa có chiến lược phát triển điện ảnh bài bản, đơn cử như một kế hoạch sử dụng nhân lực, đào tạo, huy động kinh phí của các cấp, ngành và lực lượng xã hội hóa trong 5-10 năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, thành phố còn thiếu cơ sở vật chất để tổ chức những sự kiện điện ảnh lớn. Thông thường các sự kiện liên hoan phim hay lễ trao giải điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Thành phố... không gian chưa thực sự phù hợp.

Đạo diễn Trần Bảo Sơn cho rằng nhiều năm nay, thị trường phim Việt chỉ mạnh về mặt số lượng nhưng chất lượng chưa xứng tầm. Một phần do số lượng biên kịch ít, nguồn kịch bản chưa đa dạng, đa số làm theo hướng reamake (lấy chất liệu từ chính những bộ phim ra đời trước đó).

“Thị hiếu khán giả ngày càng cao, họ dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn phim chất lượng đến từ khắp nơi trên thế giới, nếu không tạo được sức hút, nét riêng sẽ dễ bị đào thải, thua lỗ. Những phim hay, truyền tải thông điệp giá trị là cốt lõi góp phần mang đến thành công,” diễn viên, đạo diễn Trần Bảo Sơn chia sẻ.

Đưa điện ảnh vươn tầm quốc tế

Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới.

Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho rằng trước đây, điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật nhưng muốn có tác phẩm chất lượng cao, bước ra thế giới, có khả năng cạnh tranh quốc tế phải phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường xúc tiến, hợp tác, học hỏi các nền điện ảnh mạnh trên thế giới.

Để sản xuất phim có sức hút với khán giả trong nước và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển nền công nghiệp điện ảnh, các bộ phim phải kể được câu chuyện của người Việt hôm nay, mang bản sắc, đặc trưng Việt, không vay mượn, làm lại kịch bản nước ngoài.

Thời gian tới, nhiều dự án khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa Việt như “Đất rừng Phương Nam,” “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh,” “Tết ở làng Địa Ngục,” “9 giờ bão lửa,” “Hoàng hậu cuối cùng,” “Chạm vào hạnh phúc”... sẽ sớm ra mắt khán giả.

Một số nhà làm phim đã và đang nỗ lực đưa các phim Việt phát hành ở thị trường ngoại như Mỹ, Canada... tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu hoặc lấy lại vốn đầu tư.

De dien anh Thanh pho Ho Chi Minh but pha, vuon tam quoc te hinh anh 2Khán giả đến xem "Nhà bà Nữ" tại một rạp ở Australia. (Nguồn: Facebook Trấn Thành)

Từ tháng Ba, bộ phim “Nhà bà Nữ” với tiêu đề “The house of no man” (tạm dịch "Ngôi nhà không có người đàn ông") đã được khởi chiếu tại phòng vé quốc tế ở Mỹ, Canada, Australia và Singapore. Đây là bước đi tiếp theo của nhà sản xuất sau khi bộ phim có gần một tháng liên tục đứng đầu phòng vé Việt Nam.

Việc đưa tác phẩm đến thị trường nước ngoài để tăng thêm nguồn thu hoặc nỗ lực cứu lỗ, thu hồi vốn không phải chuyện quá viển vông với phim Việt.

Trước đó, phim “Bố già” của Trấn Thành đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng, phim “Hai Phượng” của Lê Văn Kiệt từng gặt hái doanh thu tốt khi “mang chuông đánh xứ người.”

Tính đến ngày 15/6/2021, “Bố già” đạt doanh thu 1,08 triệu USD (hơn 24,5 tỷ đồng), trở thành phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất lập thành tích tại thị trường Mỹ.

Ra rạp năm 2019, ban đầu, “Hai Phượng” chiếu ở 15 thành phố tại Mỹ nhưng do được đón nhận tốt nên nhà phát hành nâng lên chiếu 28 thành phố cùng lúc phát hành ở thị trường Canada.

Sau tuần đầu tiên chiếu ở Mỹ, phim thu về 150.000 USD và sau đó nâng lên 600.000 USD (gần 13 tỷ đồng). Con số này ngày càng tăng cao hơn khi phim được chiếu ở Trung Quốc.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng việc đưa phim Việt xuất ngoại là hướng đi hầu hết nhà làm phim Việt hướng đến ngay từ khi bắt đầu dự án bởi càng nhiều nguồn phát hành, nhà làm phim càng có cơ hội thêm nguồn thu cho phim.

Dù phim thắng hay thua trên sân nhà cũng tiến ra nước ngoài với nhiều mục tiêu khác nhau như tham gia tranh giải ở các liên hoan phim, quảng bá ở chợ phim và nếu được sẽ phát hành thương mại tại các rạp ngoại phục vụ kiều bào./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)