Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe
08:18 - 28/07/2023
Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, phương tiện đo độ dài, thiết bị ghi hình, ghi âm...) để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác tải trọng xe, ngành Đường bộ sẽ tiếp tục bố trí kinh phí, lực lượng, duy trì hoạt động của các Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động và sử dụng bộ cân xách tay, tập trung kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... nhằm ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu các nguồn hàng.
Trong quá trình thực hiện đề nghị Thanh tra các Sở GTVT chủ động phối hợp với lực lượng công an, các Sở, ngành, chính quyền địa phương và Công chức Thanh tra các Khu QLĐB để nâng cao hiệu quả công tác; bảo đảm xử lý đúng, đầy đủ các hành vi vi phạm theo quy định. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nghiêm cấm việc bỏ qua lỗi vi phạm, hành vi chỉnh sửa dữ liệu, làm sai khác dữ liệu, can thiệp bất hợp pháp phần mềm KTTTX và các hành vi can thiệp khác vào quá trình xử lý vi phạm về KTTTX; chỉ được thực hiện việc "cân lại" nếu có quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc theo quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của nhà sản xuất và Quy chuẩn, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác KTTTX; tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, phương tiện đo độ dài, thiết bị ghi hình, ghi âm...) để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe theo quy định tại Thông tư số 51/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ GTVT hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải gây ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm quy định về tải trọng xe.
Tổ chức ghi nhận, tiếp nhận, chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt. Thanh tra Sở GTVT và đội nghiệp vụ trực thuộc tiếp nhận, thu thập dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp và tiến hành xử lý kịp thời, đúng quy định. Thường xuyên tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình theo quy định. Có giải pháp hiệu quả tổ chức kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân trong công tác KTTTX. Cùng với đó là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện nghiêm túc cam kết đã ký về việc không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhất là các xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường của các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đang thi công; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về tải trọng xe.
Chỉ đạo, quán triệt lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng xe nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ, xử lý nghiêm, đầy đủ các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác, tránh xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác tuyên truyền về kiểm soát tải trọng phương tiện, nắm bắt thông tin, phản ánh của các cơ quan báo chí để kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.