Đấu thầu dự án giao thông giảm giá sốc: Nên mừng hay lo?
16:19 - 15/05/2024
Những ngày qua, thông tin một nhà thầu đưa ra giá dự thầu giảm từ 14% và 25% so với dự toán của 2 gói thầu xây lắp khi tham gia đấu thầu tại một dự án hạ tầng giao thông đã gây xôn xao dư luận. Tạp chí GTVT trao đổi với các chuyên gia giao thông hàng đầu trong lĩnh hạ tầng để làm rõ vấn đề.
Mức giá "ăn vào xương vào thịt"
Theo những thông tin được đăng tải, giá trị dự toán hai gói thầu xây lắp của dự án được chủ đầu tư đưa ra lần lượt là 456,949 tỷ đồng và 573,271 tỷ đồng. Cả hai gói thầu xây lắp này đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và đề xuất tài chính một lần trong cùng một thời điểm, cùng một túi hồ sơ).
Các chuyên gia giao thông nhận định rằng, điều dễ thấy nhất khi các nhà thầu giảm giá trong đấu thầu các công trình sử dụng vốn đầu tư công là tiết kiệm được một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm giá mang tính đột biến, bất thường sẽ đi kèm rủi ro cao về chất lượng và tiến độ cho công trình, cùng với đó là những hệ lụy khôn lường.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nói thẳng: "Mức giảm giá lên tới 25% giá dự toán chắc chắn là "ăn vào xương vào thịt" của nhà thầu, kể cả là không có lãi thì tôi cũng không hiểu nhà thầu làm kiểu gì?".
"Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam phản đối các hành động phá giá. Bởi, hạ giá nhiều quá thì rất dễ "ăn" vào chất lượng công trình. Chưa kể đến, nếu nhà thầu đói việc chỉ vì muốn trúng thầu bằng mọi cách mà cố tình phá giá tới 25% sẽ khiến xã hội có suy nghĩ tiêu cực về hệ thống đơn giá, định mức hiện tại của ngành xây dựng", ông Hiệp nói thêm.
Theo ông Hiệp, thực tế đơn giá, định mức hiện nay là vấn đề vô cùng bất cập đã khiến nhiều nhà thầu xây dựng hạ tầng điêu đứng, chịu thua lỗ nặng. "Trong bối cảnh đơn giá, định mức thấp hơn rất nhiều so với giá cả thực tế thì xuất hiện những nhà thầu phá giá thị trường nhưng lại không cho thấy điều gì thể hiện về năng lực vượt trội để có thể làm được", ông Hiệp chia sẻ.
Phân tích sâu hơn, Chủ tịch VACC cho biết, trong cơ cấu dự toán của công trình xây dựng bao gồm: Chi phí trực tiếp và chi phí chung. Chi phí trực tiếp là vật liệu (cát, đá, sỏi, xi măng, sắt, thép…) đã có đơn giá. Thậm chí có những loại vật liệu nhà thầu phải mua lại trên thị trường với giá thực tế cao hơn rất nhiều so với đơn giá được công bố.
Theo điều tra độc lập của VACC, khi triển khai các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, nhà thầu phải mua đất, cát đắp nền với giá cao hơn nhiều lần so với đơn giá dự toán, thậm chí khan hiếm nguồn cung vật liệu, muốn trả nhiều tiền cũng không mua nổi. "Nếu nhà thầu giảm giá các gói thầu từ 14 - 25% ở chi phí trực tiếp là điều rất khó. Trong khi đó, chi phí chung gồm các khoản quản lý doanh nghiệp, khấu hao… nếu cộng dồn tất cả lại cũng không thể lên tới 25%", ông Hiệp đánh giá.
Nhận định về thực trạng giảm giá sốc khi đấu thầu dự án giao thông, ông Hiệp cho rằng, hiện nay có những nhà thầu "đói việc" hoặc phải cân đối dòng tiền để thanh toán công nợ với ngân hàng, trang trải chi phí duy trì bộ máy… nên tìm cách trúng thầu bằng mọi giá. "Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu giao gói thầu cho những nhà thầu có tiềm lực yếu rất có thể xảy ra tình huống khi dự án đang triển khai bị "vỡ trận" giữa chừng", ông Hiệp nói và khuyến cáo các chủ đầu tư phải đánh giá kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu trong quá trình triển khai khi giao gói thầu cho những nhà thầu trúng thầu với mức giá bất thường.
Bên xét thầu cần làm rõ nguyên nhân
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, chuyên gia cầu đường TS.Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, khi các gói thầu xây lắp đưa ra đấu thầu xuất hiện tình trạng có nhà thầu bỏ giá thấp bất thường so với dự toán thì chủ đầu tư cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh của nhà thầu để biết nguyên nhân vì sao đơn vị đó lại bỏ giá thầu thấp như vậy.
Theo kinh nghiệm từ hàng chục năm trong nghề giao thông, ông Long cho biết, không ít thời điểm có những nhà thầu do không có việc làm nên phải giảm giá rất sâu để có thể trúng thầu có việc làm duy trì bộ máy, bởi nếu không trúng thầu, không có việc làm, nhà thầu sẽ phá sản ngay lập tức.
"Tuy nhiên, cũng có nhà thầu nhỏ năng lực có hạn khi tự đi đấu thầu độc lập thì không thể trúng được mà phải đứng trong liên danh với những nhà thầu lớn hơn thì mới có việc làm. Tuy nhiên, khi đứng trong liên danh thì phải "bôi trơn" nên một số nhà thầu thà chấp nhận tự giảm giá rất sâu để trúng thầu, đứng độc lập, không phải phụ thuộc vào nhà thầu khác", ông Long phân tích và cho biết thêm, ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác để giảm giá khi đấu thầu dự án giao thông như nhà thầu làm chủ được nguồn vật liệu…
Ông Long cho rằng, khi dự án có nhà thầu tự đề xuất giảm giá sâu, bất thường thì phía chủ đầu tư cần phải xem xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đưa ra đánh giá đúng về khả năng của nhà thầu đó. Trường hợp nhà thầu chỉ giảm giá từ 10 - 15% nhằm trúng thầu, tìm kiếm nguồn việc làm, duy trì bộ máy thì cũng không quá lo ngại bởi điều này đã từng xảy ra ở một số công trình giao thông. Tuy nhiên, nếu nhà thầu giảm giá bất thường lên tới vài chục % so với dự toán như đã từng xảy ra cách đây 15 - 20 năm rồi trở thành xu hướng phổ biến là điều rất nguy hiểm cho các công trình và cần thiết phải được dẹp bỏ ngay.
"Dù nhà thầu giảm giá bao nhiêu thì điều quan trọng nhất vẫn là cơ quan xét thầu phải tìm ra được đúng nguyên nhân giảm giá, đánh giá đúng được năng lực của nhà thầu. Nếu nhà thầu đủ điểm kỹ thuật, chứng minh được năng lực, chứng minh được lý do, nguyên nhân giảm giá phù hợp và cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng mà còn bỏ giá thấp thì là điều rất tốt, cần khuyến khích", ông Long chia sẻ.
Lo ngại chất lượng công trình không đảm bảo
Từng nhiều năm gắn bó với ngành xây dựng, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đơn giá định mức đang là vấn đề "nóng" trong lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông. Rất nhiều nhà thầu gặp khó khăn, "gồng" lỗ làm đường… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang rà soát lại các hệ thống định mức, đơn giá để có thể phản ánh được thực trạng của thị trường.
Đối với dự án có dự toán được xây dựng trên cơ sở các đơn giá, định mức được cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhưng khi đưa ra đấu thầu lại có nhà thầu bỏ thầu thấp hơn 25% giá gói thầu là một điều khá bất thường. "Đơn giá, định mức được xây dựng tương xứng với chất lượng của một sản phẩm nhất định. Vậy, khi giảm giá thấp hơn thì có bảo đảm về chất lượng không? Không nên chỉ nghĩ đến giá mà quan trọng hơn hết là phải quan tâm đến chất lượng. Giá cả phải đi kèm với chất lượng, nếu cứ ép giá thì làm sao có thể đi kèm với chất lượng được?!", ông Chủng đặt vấn đề.
Ông Chủng phân tích, theo lẽ thông thường, khi giảm giá, thì đi kèm với đó là nhà thầu phải giảm nhiều nguồn kinh phí trong các khâu của quá trình sản xuất, từ vật liệu, nhân công, trang thiết bị… "Có thể do nhà thầu tổ chức hợp lý, khoa học, hiệu quả nên tăng được năng suất lao động, từ đó giảm được giá thành. Song, việc một nhà thầu bỏ thầu giá thấp bất thường phải đi kèm với việc trình bày được biện pháp triển khai thi công khác biệt thế nào để khi giảm giá nhiều tuy giảm giá rất nhiều nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng cho công trình", ông Chủng nói.
Đánh giá trong bối cảnh đơn giá, định mức hiện hành nhưng có nhà thầu khi đấu thầu dự án giao thông giảm giá đến 25% là rất bất thường. "Trong các lĩnh vực xây dựng, lợi nhuận tối đa chỉ từ 10 - 12%. Với đơn giá, định mức thấp không phản ánh đúng giá cả thị trường như hiện nay, việc nhà thầu thực hiện dự án mà tiết kiệm được từ 25% là điều khó hiểu".
"Là người làm về quản lý chất lượng, tôi quan ngại về chất lượng của công trình được làm ra với giá thành thấp hơn giá chuẩn từ 15 - 25%, nhất là khi nhà thầu không chỉ ra được ưu thế nào của mình để có thể tiết kiệm ngần ấy tiền trong quá trình thực hiện dự án. Ai cũng kêu đơn giá, định mức thấp không làm nổi, cứ làm là lỗ. Vậy, giá đã thấp như vậy rồi mà còn giảm đi 15%, thậm chí là 25% nữa thì tôi cũng không hiểu là họ tiết giảm sản xuất kiểu gì để đáp ứng?", ông Chủng cho hay.
Ông Chủng khuyến cáo các chủ đầu tư trong trường hợp lựa chọn các nhà thầu bỏ thầu với giá bất thường cần phải có những biện pháp kiểm soát với nhiều tầng, nhiều lớp bảo đảm chặt chẽ chất lượng từ đầu, khối lượng thi công, nhân công, máy móc trong quá trình thi công có đúng không… đặc biệt là phải đánh giá rất cẩn thận sản phẩm cuối cùng về chất lượng, khối lượng. "Nếu cứ chiếu theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu bỏ thầu giá thấp để thực hiện dự án và không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt khi sản phẩm cuối cùng không bảo đảm chất lượng", ông Chủng cảnh báo.
"Đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng đảm bảo trên cơ sở giá cả hợp lý. Đất nước muốn hùng cường thì phải có những doanh nghiệp xây dựng hùng mạnh. Tuy nhiên, khi tham gia đấu thầu mà quy cách lựa chọn nhà thầu lại coi trọng giá bỏ thầu thì các nhà thầu thực sự có năng lực bị gạt sang một bên chỉ vì giá không phải là thấp nhất. Việc làm theo kiểu phá giá thị trường là cuộc chơi không văn minh, làm cản trở sự trưởng thành của các nhà thầu có năng lực. Đấu thầu mà bị biến thành đấu giá thì sẽ là cuộc chơi không bình đẳng", PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ.