Tiếp tục sức "nóng" của các phiên đấu giá đất ở một số huyện ven đô gần đây, đến sáng 22/10, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, phiên đấu giá 40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội mới đấu giá thành công 19 thửa đất.
Đáng chú ý, qua 15 vòng đấu, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2, trong khi giá khởi điểm 3,864 triệu đồng/m2.
Với kết quả này, huyện Thường Tín dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước gần 125 tỷ đồng. Tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực của 19/40 thửa đất với 3.028,3 m2 là hơn 112,6 tỷ đồng.
Đấu giá đất vẫn chưa "hạ nhiệt"
Sáng 22/10, Trung tâm Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín cho biết, tham gia Phiên đấu giá này thu hút 199 khách hàng, đăng ký mua hơn 700 hồ sơ đấu giá. 21 thửa đất không đấu giá thành công là do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế.
Tổng diện tích 40 thửa đất đấu giá 6.530m2, các thửa đất có diện tích từ 128-265,2 m2. Dự án nằm gần khu vực an ninh quốc phòng nên chiều cao xây dựng công trình khống chế ở mức 2 tầng, mật độ xây dựng từ 63-68%.
Phiên đấu giá được tổ chức theo hình thức đấu giá từng thửa đất bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng đấu (tối thiểu 6 vòng) và theo phương thức trả giá lên; bước giá là 3,5 triệu đồng/m2. Khoản tiền cọc đặt trước tương ứng từ gần 99 đến 205 triệu đồng cho 1 thửa đất.
Từ kết quả đấu giá trên cho thấy sức "nóng" tại các phiên đấu giá đất ven đô vẫn chưa hạ nhiệt với những dấu hiệu bất thường đặt ra ở cả giá trúng và số lượng hồ sơ đăng ký.
Trước đó, ngày 19/10, quận Hà Đông đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội.
Đáng chú ý, với giá khởi điểm từ 22,791 triệu đồng/m2 đến 32,216 triệu đồng/m2, sau 14 vòng đấu đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.
Một số người dân có nhu cầu ở thực tham gia các phiên đấu giá này cho rằng giá đất nền ở một số địa phương đang bị "thổi" lên quá cao so với mặt bằng khu vực. Vì vậy, nhiều người đã bỏ cuộc sau những vòng đấu giá bắt buộc.
Có thể thấy, việc thị trường thiếu nguồn cung mới và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cấm các đô thị được phân lô, bán nền tại các dự án thương mại, đặc biệt quy định nâng diện tích tối thiểu khi tách thửa từ ngày 7/10/2024 tại Hà Nội đã tạo ra sức hút cho dòng sản phẩm đấu giá.
Tuy nhiên, việc tài sản nhà đất tập trung quá nhiều vào nhóm người đầu cơ đã gây ra xung đột lớn với đại bộ phận người dân lao động khi nguồn lực tài chính hạn hẹp, khó có khả năng mua nhà, đất hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 22/10, huyện Thường Tín thu về ngân sách Nhà nước khoảng 694 tỷ đồng từ từ đấu giá quyền sử dụng đất ở. Dự kiến, cả năm 2024, huyện tổ chức đấu giá khoảng 44.546m2 đất ở, ước thu về ngân sách hơn 750 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cuối tháng 10 này, huyện Thường Tín tiếp tục đấu giá 47 thửa đất tại xã Vạn Điểm. Trong đó, 22 thửa đất dự kiến đấu giá vào ngày 27/10 có diện tích lớn từ 234-489 m2; giá khởi điểm 3,864 triệu đồng/m2; bước giá 2 triệu đồng/m2; số tiền đặt cọc từ 181,2 triệu đồng đến 361,8 triệu đồng/m2.
Tiếp đó, ngày 2/11, cũng tại xã Vạn Điểm, 25 thửa đất đưa ra đấu giá có diện tích từ 122-213m2; giá khởi điểm 3,864 triệu đồng/m2; bước giá 3,5 triệu đồng; số tiền đặt cọc từ 123,6-164,7 triệu đồng.
Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 - Quốc gia tiếp tục bán hồ sơ tham dự đấu giá đến ngày 28/10. Hình thức đấu giá theo phương thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng đấu đối với từng thửa đất tại cuộc đấu giá và tối thiểu qua 6 vòng đấu giá bắt buộc.
Đáng chú ý, tại huyện Hoài Đức, 20 thửa đất còn lại tại dự án đấu giá khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên sẽ được đưa ra đấu giá vào ngày 4/11 tới.
Đây là 20 thửa đất theo kế hoạch đấu giá vào ngày 26/8 vừa qua nhưng phải tạm dừng để thực hiện kiểm tra, rà soát theo yêu cầu Công điện số 82 (ngày 21/8/2024) của Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời chấn chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn hiện tượng tiêu cực "đầu cơ," "thổi giá."
Giá khởi điểm vẫn được giữ nguyên (7,3 triệu đồng/m2), căn cứ khoản 3 Điều 257 Luật Đất đai 2024. Phương thức đấu giá 6 vòng đấu bắt buộc, mỗi vòng có mức chênh lệch tối thiểu 6 triệu đồng.
Cũng trong cuối tháng 10 này, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia đã thông báo bán hồ sơ tham gia đấu giá 27 thửa đất của khu Đồng Cống và một thửa đất khu Thực phẩm thôn Vân Trai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Các thửa đất có diện tích từ 65-121 m2, giá khởi điểm 2,9-3,1 triệu đồng/m2. Đây là mức giá thấp nhất so với những phiên đấu giá đất thời gian gần đây trên địa bàn huyện.
Hay tại huyện Mỹ Đức, ngày 31/10, huyện dự kiến tổ chức đấu giá 18 thửa đất tại 02 xã (Hùng Tiến, Hợp Tiến). Các thửa đất có diện tích từ 64-170 m2/thửa với mức giá khởi điểm 2,3-2,5 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp theo phương thức trả giá lên.
Tại huyện Quốc Oai, Phiên đấu giá 39 lô đất tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Yên Quán, xã Tân Phú dự kiến tổ chức vào ngày 25/10 đã có thông báo tạm dừng.
Lý do được Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai đưa ra là để rà soát, cập nhật, điều chỉnh phương án đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp theo Quyết định số 61/2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các quy định hiện hành.
Cần có các biện pháp hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn đầu cơ đất
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết qua rà soát về việc đấu giá đất tại một số huyện ngoại thành thời gian qua cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích "đầu cơ." Hay tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường nhưng đến hạn quy định bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá với mục đích "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường bất động sản.
Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, sau Phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên ngày 19 và 20/8, dự kiến thu về ngân sách gần 200 tỷ đồng từ kết quả trúng đấu giá.
Tuy nhiên, tính đến ngày 28/9, trong số 13 khách hàng trúng đấu giá 19 thửa đất, mới có 6 người trúng đấu giá 11 thửa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất (gồm cả người trúng đấu giá cao nhất 133,3 triệu đồng/m2; có 2 khách hàng trúng đấu giá 3 - 4 thửa đất cũng nộp tiền theo quy định).
"Tổng số tiền khách hàng trúng đấu giá đã nộp đợt 1 là 50%, đạt khoảng 70 tỷ đồng. Hiện, 7 khách hàng trúng 8 thửa đất cũng đều đã cam kết hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước ngày 27/11/2024; trường hợp chưa nộp đủ tiền đúng hạn phải chịu lãi suất chậm nộp," Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng thông tin.
Tương tự, liên quan đến tiến độ nộp tiền trúng đấu giá, huyện Thanh Oai cho biết, sau 1 tháng có thông báo nộp 50% số tiền trúng đấu giá, chỉ có 12/68 thửa đất trúng đấu giá ngày 10/8 tại xã Thanh Cao hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Hiện, 56 thửa đất còn lại trúng đấu giá chưa được nộp tiền theo quy định.
Điều đáng chú ý tại Phiên đấu giá này đã tạo ra một "kỷ lục mới" cho giá đất ở ngoại thành Thủ đô - khi giá trúng đấu giá dao động từ 51,767 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2; trong đó, có nhiều lô đất có giá trúng cao gấp 6-8 lần giá khởi điểm (tương ứng số tiền chênh 5-7 tỷ đồng/lô đất); có tới 1.439 khách hàng tham gia với 4.210 bộ hồ sơ.
Đại diện lãnh đạo huyện Hoài Đức khẳng định quá trình tổ chức thực hiện đấu giá đất trên địa bàn huyện tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với 19 thửa đất đã đấu giá thành công trên.
Huyện xem xét kỹ lưỡng về điều kiện tham gia đấu giá tiếp theo đối với những trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong mọi phiên đấu giá.
Mặt khác, huyện cũng tạo mọi điều kiện để thu hút khách hàng tham gia đấu giá, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng; tạo niềm tin cho người dân cũng như các nhà đầu tư.
Không phủ nhận, nếu kết quả đấu giá đất càng cao thì ngân sách nhà nước sẽ thu được càng lớn, nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản cũng như thực hiện dự án đầu tư hạ tầng sau này. Bởi mục đích của đấu giá đất nhằm hạn chế tối đa tình trạng "hai giá," trước những bất cập của việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá đất trên thị trường và giá đất do Nhà nước quy định.
Đồng thời, từ kết quả đấu giá đất sẽ tạo cơ sở, căn cứ để Nhà nước điều chỉnh mức giá đất cho phù hợp với giá trị thực. Song, những bất thường từ kết quả trúng giá ở mức quá cao so với giá khởi điểm và giá trị thực đòi hỏi các đơn vị chức năng cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ này.
Hiện, tại Quyết định số 61/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 7/20/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền; công khai danh sách này trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát phiên đấu giá; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải chủ trì, phối hợp, kịp thời hướng dẫn các quận, huyện tháo gỡ vướng mắc trong xác định giá đất.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất; đề xuất các giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ tiền đặt cọc./.
Nguồn: Đấu giá đất tại Hà Nội vẫn tiếp tục"nóng" với mức tăng hàng chục lần | Vietnam+ (VietnamPlus)