Đặt hàng online nhưng "boom hàng" có bị xử phạt?
07:37 - 21/10/2022
Việc khách đặt hàng nhưng lại không chịu nhận là một trong những nỗi lo lớn của nhiều shop online hiện nay.
Bạn Thu Thảo (TP Hồ chí Minh) hỏi: Việc khách đặt hàng nhưng lại không chịu nhận là một trong những nỗi lo lớn của nhiều shop online hiện nay. Xin hỏi, hiện có cơ chế xử phạt với hành vi này hay không?
Luật gia Dương Giao Phượng- Hội Luật gia Việt Nam trả lời: Theo quy định tại điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Cũng theo điều 119 của Bộ luật này, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Như vậy, việc đặt hàng online trên facebook hay các trang thương mại điện tử...đều là hợp đồng dân sự. Theo đó hai bên sẽ phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Cụ thể, khi giao dịch mua hàng online, chủ shop sẽ có nghĩa vụ giao đúng loại, số lượng hàng hóa khách hàng đã đặt đúng thời hạn. Còn khách hàng có quyền được kiểm tra hàng khi được giao và có nghĩa vụ trả tiền và nhận hàng đúng thời gian, địa điểm như đã thỏa thuận. Khi người mua đặt hàng online nhưng không nhận là đã vi phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nêu trong hợp đồng, giao dịch dân sự. Do đó, người vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại và chịu toàn bộ chi phí phát sinh.
Cụ thể tại điều 360 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Đồng thời, khoản 2 Điều 419 Bộ luật dân sự cũng quy định bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau: Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
Dó đó, những chủ shop bị “boom” hàng muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình, có thể dựa vào những căn cứ nêu trên để đòi bồi thường hoặc làm đơn khởi kiện vụ án dân sự để Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, do giá trị đơn hàng không lớn nên các chủ cửa hàng thường sẽ bỏ qua. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bán nên thận trọng và lựa chọn các phương thức thanh toán sao cho có lợi, an toàn nhất có thể.