Liên quan đến đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe, đại diện cơ quan Nhà nước và các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cho rằng đề xuất này là khó khả thi thực hiện khi sát hạch trong sa hình hay ngoài đường cao tốc.

Nhiều nước chưa có bài lái xe trên đường cao tốc

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2/2022 vào sáng 14/4, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn trên các tuyến cao tốc thời gian qua là do kỹ năng lái xe còn yếu.

Dẫn chứng, trong quý 1/2022, tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc đã xảy ra 49 vụ, làm 7 người chết, 19 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2021,tăng 3 người chết, giảm 9 người bị thương. Qua các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, nhận thấy nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn yếu; phương tiện gặp sự cố... dẫn đến tai nạn giao thông.

Do đó, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và ngành Y tế quản lý lái xe, kiểm tra kỹ hồ sơ học lái xe, giấy khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng chất ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi giấy phép lái xe.

“Cục Cảnh sát giao thông sẽ thường xuyên rà soát các điểm đen tai nạn trên cao tốc, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý, không để xảy ra tai nạn giao thông,” Thiếu tướng Trung khẳng định.

 

[Sát hạch lái xe: Tự động hóa chấm điểm, ngăn can thiệp từ con người]

Là một trong những Trung tâm sát hạch lái xe lớn của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh cho biết trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan.

Đối với đề nghị đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, ông Hải cho rằng trong bộ đề 600 câu hỏi thi lý thuyết lái xe đã có chương trình đào tạo về đường cao tốc bao gồm hệ thống biển báo chỉ dẫn; quy định lái xe vào, ra nút giao, khoảng cách giữa các xe, quy định về tốc độ… và lái xe phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xử lý các tình huống giao thông khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc.

“Nếu đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo, các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải bỏ kinh phí đầu tư đường dài 3-5km theo tiêu chuẩn sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, không ai cho học viên học lái xe trên đường cao tốc chạy tốc độ cao từ 60-80-100km/ giờ sẽ gây nguy hiểm cho học viên và người dạy,” ông Hải phân tích thêm.

Hơn nữa, ông Hải cũng chỉ ra thực tế, hiện nhiều tỉnh còn chưa có tuyến đường cao tốc chạy qua. Ở các nước trên thế giới cũng chưa có bài lái xe trên đường cao tốc đưa vào chương trình đào tạo, sát hạch.

Sẽ khó khả thi nếu sát hạch

Ông Nguyễn Thành Huân, nguyên Phó giám đốc một Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe quả quyết nếu đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo sẽ có bất cập và chưa nên áp dụng bởi hiện nay các chương trình đào tạo đang duy trì tốt. Sau này, học viên thi xong lấy bằng lái tham gia giao thông sẽ chủ động việc đó.

“Nếu đưa vào để áp dụng, bản thân cơ quan quản lý Nhà nước phải đầu tư tuyến đường cao tốc để các trung tâm đào tạo đưa học viên lên đó học. Trường hợp yêu cầu cơ sở đào tạo đầu tư đường cao tốc sẽ quá khó vì vốn lớn, quỹ đất trung tâm lại không cho phép,” ông Huân nói.

Dao tao lai xe duong cao toc: Ly thuyet da co, sat hach kho kha thi hinh anh 1Học viên thi sát hạch lái xe trong sa hình tại một trung tâm ở Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay, trong giáo trình đào tạo có hẳn một chương về đào tạo lái xe trên đường cao tốc, trong đó có đề cập rõ việc người lái xe vào ra phải xử lý như thế nào, chuyển làn, biển báo chỉ dẫn, dừng đỗ xe, xử lý tình huống cao tốc.

[Quy trình thi sát hạch bằng lái xe ôtô được thực hiện ra sao?]

Ông Thống cũng cho biết thời gian tới, ngoài việc giáo trình có nội dung này, phần trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe - cabin học lái xe cũng có hướng dẫn học lái xe trên đường cao tốc.

“Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe hay giáo viên sẽ cho học viên học lái luyện tập ở đường đô thị, Quốc lộ có mật độ giao thông hỗn hợp. Nếu xử lý được các tình huống này, người lái có giấy phép lái xe khi đi cao tốc sẽ dễ dàng do cao tốc chỉ quy định tốc độ lưu thông, biển báo chỉ dẫn và các nút giao ra vào đường,” ông Thống nhìn nhận.

Mặt khác, vị Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái cũng cho rằng kiến nghị này cũng khó thực hiện bởi chưa có nước nào có Trung tâm đào tạo lái xe đầu tư hẳn một đường cao tốc để cho học viên vào học trong sa hình.

“Hiện nay, chúng ta đã và đang trang bị cho học viên đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe. Nếu trước đây việc đào tạo lái xe chỉ chủ yếu trong trong sân tập lái hoặc thực tế trên đường, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông,” ông Thống nhấn mạnh./.

Việt Hùng (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dao-tao-lai-xe-duong-cao-toc-ly-thuyet-da-co-sat-hach-kho-kha-thi/786319.vnp