Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa phải nhận hàng loạt đánh giá kém từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về cơ sở vật chất của sân vận động Mỹ Đình trong việc tổ chức các trận đấu quốc tế, đặc biệt là trận đấu giữa tuyển Việt Nam với Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 7/9 vừa qua.

Ngay lập tức, một cuộc "cải tổ" mặt sân đã được gấp rút thực hiện để kịp cho các trận đấu còn lại trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 sắp tới cũng như phục vụ cho SEA Games 31. Tuy nhiên, sự việc này cũng hé lộ nhiều sai phạm trong việc quản lý và vận hành Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình.

Cấp tốc cải tổ

Những ngày qua, sân vận động Mỹ Đình hay Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là điểm nóng được báo chí và người hâm mộ quan tâm sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam với Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 7/9. 

Ở trận đấu này, chất lượng mặt cỏ tệ cùng với dàn đèn chiếu sáng kém chất lượng gây chú ý, đặc biệt khi truyền thông quốc tế ví sân vận động quốc gia tại Hà Nội như "một bãi chăn bò." 

Ngay lập tức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã làm việc cùng đại diện Khu liên hợp Thể thao Quốc gia, đại diện VFF để yêu cầu tiến hành cải tạo mặt sân, phòng chức năng, hệ thống đèn chiếu sáng... nhằm đảm bảo chất lượng cho các trận đấu quốc tế sắp diễn ra. 

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao giám sát, theo dõi tiến trình cải tạo, nâng cấp các hạng mục trước khi tiến hành ba cuộc kiểm tra đánh giá chất lượng vào ngày 30/9, 15/10 và 30/10. 

Dang sau 'be boiSân Mỹ Đình được cải tạo để chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới của đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đó, Khu liên hợp đã huy động 80 cán bộ, công nhân viên tham gia trực tiếp vào việc vệ sinh, cắt cỏ, cải thiện mặt sân, liên tục trong nhiều ngày nay.

Mặt sân thi đấu đã được bóc tách cỏ cũ đã chết, thay bằng lớp cỏ mới và chăm sóc kỹ càng. Theo Giám đốc Khu liên hợp, ông Nguyễn Trọng Hổ, các kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia về cỏ và mặt sân đã đến xem xét lại thực trạng và tìm các biện pháp để cải thiện mặt sân vận động Mỹ Đình.

Trong khi đó, hạng mục 6 phòng chức năng gồm: Phòng trọng tài, 2 phòng thay đồ của 2 đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo cũng đang được gấp rút sửa sang, hoàn thiện cho kịp tiến độ. 

Thời gian từ nay cho tới thời điểm diễn ra các trận đấu của tuyển Việt Nam vẫn còn nên nhiều khả năng sân vận động Mỹ Đình sẽ kịp hoàn thiện các khâu tu sửa và có bộ mặt mới. 

Trước mắt, sân vận động quốc gia sẽ tổ chức hai trận đấu của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 11 với Nhật Bản và Saudi Arbia. 

Tuy nhiên, công tác sửa sang sân Mỹ Đình không chỉ phục vụ các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia còn phải làm sạch sẽ toàn bộ khu vực khán đài bao gồm các vấn đề về rác, cây cối… để bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm khởi công, thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Mỹ Đình nhằm phục vụ cho SEA Games 31 trước ngày 20/10.

Dang sau 'be boiKhu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình phải phải làm sạch sẽ một số hạng phục để bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm cải tạo sân vận động cho SEA Games 31. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Không phải bỗng dưng... xuống cấp

Việc để cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhận đánh giá kém và phải tu sửa trong tâm bão dư luận hiện nay là hệ quả tất yếu từ nhiều sai phạm trong những năm qua của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình.

Từ năm 2012 tới nay, Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình có nguồn thu tương đối nhưng rất ít lần bảo dưỡng và tu sửa cơ sở hạ tầng, dẫn tới việc xuống cấp nghiêm trọng.

Trong khi đó, đơn vị này nhiều lần nâng giá trong quá trình tu sửa hệ thống cơ sở hạ tầng song chất lượng lại không hề được đảm bảo.   

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy đối với dự án nâng cấp mặt sân tập, mức giá phải chi đội lên tới gấp nhiều lần khiến chênh lệch giá khoảng 3,2 tỷ đồng. 

Còn ở tại dự án cải tạo mặt sân điền kinh, một đơn vị không đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm thi công vẫn trúng thầu với quá trình thực hiện khiến giá vật liệu được nâng lên gần 2,5 lần so với giá thực, dẫn tới đội giá khoảng 11,6 tỷ đồng.

Ở bể bơi trong nhà tại Cung thể thao dưới nước, chỉ riêng giá thiết bị khi quyết toán đã cao gấp 7,5 lần giá nhập khẩu, chênh lệch hơn 6,1 tỷ đồng; trong đó hệ thống làm nóng nước bể bơi bằng gas còn đang vận hành bình thường được thay bằng hệ thống điện.

Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước) trong giai đoạn 2009-2018 có nhiều sai phạm, với số tiền vi phạm, thất thoát lên tới khoảng 777 tỷ đồng, trong đó gồm 658 tỷ tiền thuê đất chưa hoàn trả./.

Hiển Nguyễn (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dang-sau-be-boi-mat-san-van-dong-my-dinh-bi-hung-bao-du-luan-la-gi/743561.vnp