Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, gần 1 năm kể từ thời điểm đường Hồ Chí Minh đoạn qua vòng xoay hồ Đại La (thuộc địa giới hành chính phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt, ngành chức năng và doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành tuyến đường vẫn chưa thống nhất được phương án sửa chữa, khắc phục.
Nguồn tin từ Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông cho hay, sau sự cố sụt lún, sạt trượt vào đầu tháng 8/2023, có 2/4 làn của đoạn đường bị sạt trượt đã được ngành chức năng rào chắn, cấm các phương tiện lưu thông.
Toàn bộ các phương tiện được điều hướng sang di chuyển qua 2 làn đường còn lại.
Bên cạnh đó, các phương tiện xe khách, xe có tải trọng lớn được điều chuyển sang lưu thông qua tuyến tránh đô thị Gia Nghĩa để giảm tải cho đoạn đường này.
Về cơ bản, việc lưu thông được đảm bảo và Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông đã phối hợp với Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông, đơn vị được giao quản lý đoạn đường tổ chức giám định, xác định nguyên nhân xảy ra sạt trượt.
Hiện các đơn vị liên quan đã đề xuất 3 phương án khắc phục với kinh phí từ 130-200 tỷ đồng và đang trong giai đoạn bổ sung hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự kiến, nhanh nhất là cuối tháng 12/2024 sẽ khởi công công trình khắc phục đoạn đường sạt, trượt nêu trên.
Bên cạnh việc sửa chữa, khắc phục đoạn đường sụt lún, đảm bảo việc lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này, việc hỗ trợ, di dời 17 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún, sạt trượt đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Trong khi đó, hiện đã bắt đầu bước vào mùa mưa và người dân đang phải chung sống với những ngôi nhà bị hư hỏng và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt trượt.
Ông Nguyễn Sửu, trú tại tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông là một trong 17 hộ dân bị ảnh hưởng.
Gia đình ông mua mảnh đất hơn 300m2 và làm nhà, sinh sống tại khu vực tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh hơn 20 năm nay.
Tháng 8/2023, cùng với đoạn đường bên trên bị sụt lún, sạt trượt, một lượng đất lớn từ quả đồi phía trên đổ vào tường nhà ông Sửu và một dãy tường rào phía sau đã bị đổ sập.
Sau nhiều tháng đi ở nhờ nhà người thân và nhận thấy tình trạng sạt lở có dấu hiệu tạm ổn định, gia đình ông Sửu đã quay về ngôi nhà cũ để sinh sống. Hiện, mùa mưa sắp tới và nỗi lo sụt lún, sạt trượt, đe dọa đến tài sản, an toàn tính mạng lại bắt đầu.
Theo Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Thành, phía taluy âm đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún, sạt trượt có 17 hộ dân sinh sống.
Tháng 8/2023, chính quyền thành phố Gia Nghĩa đã vận động, di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực này và hỗ trợ tiền thuê nhà để người dân tạm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo quy định và các hộ dân chỉ nhận được tiền thuê nhà trong 3 tháng.
Sau khi trời ngớt mưa và các vệt nứt có xu hướng ổn định, hầu hết các hộ dân đã quay về lại căn nhà cũ để sinh sống.
Hiện, 17 hộ dân đã có đơn đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ ổn định cuộc sống, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt trượt đoạn đường nêu trên.
Ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa cho biết, các hộ dân phải di dời nhà ở khẩn cấp do thiên tai trong trường hợp này được hỗ trợ mức tối thiểu 30 triệu đồng/hộ nhưng người dân không chấp nhận. Việc hỗ trợ căn cứ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Cũng theo ông Thạch Cảnh Tịnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Gia Nghĩa đã kiến nghị cơ quan chức năng giám định, làm rõ vấn đề liên quan giữa việc sụt lún, sạt trượt đường với việc nứt nhà dân. Đây là căn cứ để thành phố giải quyết các kiến nghị của người dân. Nhưng tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân và hướng khắc phục./.
Nguồn: Đắk Nông: Chưa thống nhất phương án sửa chữa sụt lún đường Hồ Chí Minh | Vietnam+ (VietnamPlus)