Đắk Lắk: Phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và pháo

16:20 - 19/12/2024

Từ ngày 19/5/2023 đến 30/11/2024, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 98 vụ, 158 đối tượng vi phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; hậu quả làm chết 11 người, bị thương 12 người.

Vũ khí tự chế được lực lượng chức năng thu hồi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: TTXVN)
Vũ khí tự chế được lực lượng chức năng thu hồi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: TTXVN)

Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề, tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và pháo trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là học sinh và người dân khu vực nông thôn.

Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ cao gây thương tích, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Theo thống kê, từ ngày19/5/2023 đến 30/11/2024, toàn tỉnh phát hiện 98 vụ, 158 đối tượng vi phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; hậu quả làm chết 11 người, bị thương 12 người.

Đặc biệt, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ trên địa bàn.

Cụ thể: Ngày 16/12, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 8 học sinh cấp 2 trên địa bàn xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) có hành vi mua các tiền chất trên mạng xã hội (như: lưu huỳnh, than đá) về chế tạo pháo nổ để sử dụng và bán cho bạn bè.

Tiến hành kiểm tra, cơ quan Công an đã thu giữ 104 quả pháo tự chế, trong đó có 3 quả pháo cối; 0,7 kg tiền chất các loại...Việc sử dụng pháo nổ trái phép thường dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 14/12, ba học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo (tại xã Tam Giang, huyện Krông Năng) đã rủ nhau tự chế tạo pháo nổ. Các vật liệu chế tạo pháo được các em mua tại một tài khoản trên mạng xã hội.

Trong quá trình chế tạo pháo không may phát nổ khiến cả 3 em được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị thương ở nhiều nơi, nhiều mảnh thủy tinh găm vào người, một em bị dập nát ngón tay.

Theo các bác sỹ, pháo nổ có thể gây bỏng, tổn thương tay, mắt và các cơ quan khác, thậm chí để lại di chứng nặng nề suốt đời. Những trường hợp thương tích nặng thường xuất phát từ việc tự ý chế tạo pháo hoặc sử dụng pháo có chất lượng kém, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, các vụ cháy nổ do pháo không kiểm soát còn có thể gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí đe dọa tính mạng của những người xung quanh.Dự báo từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo có chiều hướng gia tăng.

Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đến quần chúng nhân dân.

Đối với các địa bàn trọng điểm, còn tiềm ẩn nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (như Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Bông, Lắk, Krông Búk, M’Drắk, Ea Kar, Krông Năng...), địa phương cần xây dựng các giải pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm; vận động toàn dân giao nộp và thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn trôi nổi ngoài xã hội...

Công an tỉnh đánh giá, dự báo tình hình để xây dựng văn bản, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn.../.

Nguồn: Đắk Lắk: Phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và pháo | Vietnam+ (VietnamPlus)