Đại biểu Quốc hội: Cần thiết thành lập tòa án chuyên biệt ở các thành phố lớn

17:46 - 28/05/2024

Bàn về nội dung thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Quốc hội cho rằng trước mắt chỉ nên triển khai thí điểm tòa sơ thẩm chuyên biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nêu quan điểm về đề xuất thành lập “tòa án sơ thẩm chuyên biệt” tại dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), sáng 28/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đây là việc cần thiết để đảm bảo khách quan cũng như hạn chế các mẫu thuẫn phát sinh, song các đại biểu cũng lưu ý rằng trước mắt chỉ nên áp dụng “thí điểm” việc thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Ủng hộ thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hàng lang Quốc hội sáng 28/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết toàn án sơ thẩm chuyên biệt khi được thành lập sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, tố tụng hành chính.

Với vấn đề tố tụng hành chính, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, nhiều người đang băn khoăn bởi hiệu lực pháp luật của các bản án hành chính hiện nay không cao, thực tế bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là bởi có yếu tố phụ thuộc, liên quan tới mối tương quan giữa tòa án hành chính với ủy ban hành chính các cấp do phụ thuộc vào cấp ủy địa phương, cơ sở vật chất phát sinh (ví dụ như cơ chế xin và cho)…

 
 

“Như vậy, yếu tố khách quan khi xét xử lý vụ án hành chính (ví dụ tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử liên quan đến một quyết định hành chính của ủy ban nhân dân cấp tỉnh) sẽ rất khó,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo trăn trở và bày tỏ mong muốn cần có tòa án chuyên biệt để đảm bảo việc xử lý các bản án hành chính khách quan.

Trong diễn biến liên quan, nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường, sáng 28/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định về 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt gồm tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính, tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phá sản.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt trên là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử.

Lý do, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bởi thời gian qua, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ không cao, thậm chí thấp, số lượng các vụ việc bị hủy, sửa cao. Vì vậy, thực tiễn hiện nay đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác xét xử để đảm bảo hiệu quả xét xử các loại vụ án này.

“Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính nếu được thành lập tách biệt hẳn với đơn vị hành chính địa phương thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn trong công tác xét xử, hạn chế được tâm lý nể nang, e ngại của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ điều kiện, tiêu chí thành lập các tòa án chuyên biệt trong dự thảo luật.

Nên thí điểm

Nêu thêm giải pháp để đảm bảo việc thành lập tòa án chuyên biệt hoạt động hiệu quả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng chỉ thành lập các tòa án chuyên biệt theo vùng, theo khu vực.

Lý do, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là để tránh việc thành lập tòa án chuyên biệt quá nhiều, bởi hiện nay số lượng các vụ án về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ cũng không quá lớn, chủ yếu tập trung ở đô thị.

“Nếu thành lập quá dàn trải, vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo tinh thần tinh gọn hệ thống chính trị nói chung,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói thêm.

dai bieu thuy.PNG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cùng bàn về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết về cơ sở chính trị, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết XIII đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường tính chuyên biệt trong hoạt động xét xử của tòa án.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, với các án hành chính là loại rất phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Đặc biệt với án phá sản và sở hữu trí tuệ, theo nữ đại biểu thì đây là loại án rất khó về mặt chuyên môn.

“Các thẩm phán được phân công xét xử không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu về pháp luật mà còn đòi hỏi được đào tạo bài bản về kinh tế hành chính,” đại biểu Thủy lưu ý và nêu quan điểm tán thành việc thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt.

Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi, xem xét tính hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị trước mắt chỉ nên thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh bởi theo nữ đại biểu thì đây là những địa phương có nhiều vụ án. Theo đó, nếu bản án của những tòa án này bị kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 tòa án cấp cao ở đây xét xử theo trình tự phúc thẩm.

“Như vậy sẽ bảo đảm tập trung nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao, loại bỏ nguy cơ gây mất tính độc lập của thẩm phán,” đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói thêm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cũng cho rằng trước mắt chỉ nên triển khai thí điểm việc hình thành tòa án chuyên biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, lý do nên thành lập tòa án chuyên biệt ở sở dĩ các thành phố lớn trên là bởi tỷ lệ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, khiếu nại về sở hữu trí tuệ rất lớn và thực tế này sẽ trở thành “mâu thuẫn lớn” trong tương lai./.

Nguồn: Đại biểu Quốc hội: Cần thiết thành lập tòa án chuyên biệt ở các thành phố lớn | Vietnam+ (VietnamPlus)