Da Lat se tham gia mang luoi cac thanh pho sang tao UNESCO hinh anh 1Chương trình biểu diễn âm nhạc điện tử 'Dalat - The City Of Flowers' nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm kích cầu du lịch Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 5928/UBND-VX4, thống nhất chủ trương cho Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, trong lĩnh vực âm nhạc.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn thực hiện các thủ tục lập hồ sơ theo quy định của UNESCO. 

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành liên quan và các chuyên gia xây dựng kế hoạch, hồ sơ, đề án, lộ trình các bước thực hiện đảm bảo thời gian, yêu cầu đề ra; hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.

Mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO” được thành lập năm 2004, với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

[Du khách đắm chìm trong âm nhạc “độc, lạ” ở Khu phố đi bộ Đà Lạt]

Trong hệ thống đô thị Việt Nam, thành phố Đà Lạt được đánh giá là một trong các đô thị tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt, với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch kiến trúc và đang sở hữu ba di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Đó là Di sản Văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được công nhận năm 2005; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” được công nhận năm 2009 và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, được công nhận năm 2015. Đây chính là một trong những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sỹ, trí thức, những nghệ sĩ tài năng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật...

Theo ông Tôn Thiện San, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, để tham gia mạng lưới này, thành phố đã dựa trên kết quả đánh giá thực trạng, tiềm năng, ưu điểm, lợi thế đối với 7 lĩnh vực của thành phố là thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn hóa và âm nhạc.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã có hai buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn công tác của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan đơn vị có liên quan khác.

Tất cả các cơ quan, đơn vị đều thống nhất, âm nhạc là lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, là điểm nhấn sáng tạo văn hóa nghệ thuật, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Lạt bền vững.

Từ đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, thống nhất nội dung đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc với thời gian đăng ký tháng tháng 4/2023. Đây sẽ là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển 1893-2023.

Nằm trên Cao nguyên Lâm Viên ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, từ đầu thế kỷ XX đến nay, thành phố Đà Lạt nổi tiếng là thành phố du lịch thơ mộng với những cái tên như “Thành phố mộng mơ,” “Thành phố Ngàn hoa,” “Thành phố mù sương,” “Xứ hoa Anh Đào” hay là “Tiểu Paris”...

Với diện tích 394km2, dân số gần 232.000 người với nhiều dân tộc, chủ yếu là các dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống, Đà Lạt được hàng triệu du khách trong nước và quốc tế lựa chọn đến du lịch, nghỉ dưỡng.

Không chỉ trong lĩnh vực du lịch, Đà Lạt còn khác nổi tiếng về sáng tạo nghệ thuật, bất cứ một công trình xây dựng, một bức tranh tường hay tiểu cảnh trên đường phố cũng đều khác lạ với những địa phương khác.

Trong lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt là nơi gắn với tên tuổi của nhiều nhạc sỹ, ca sỹnổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Khánh Ly, Phạm Duy, Lam Phương.../.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)