Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sẵn sàng dùng gần 5.000 tỷ đồng tài sản tích luỹ để khắc phục hậu quả
11:00 - 24/07/2024
Chiều 23/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Cty CP Tập đoàn FLC ) và 49 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra. Trong phần này, HĐXX cho các luật sư tham gia thẩm vấn.
Cuối giờ chiều cùng ngày, trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC khai, sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), công ty này đã thực hiện các dự án của hệ thống Tập đoàn FLC.
Theo ông Quyết, Faros đã thi công nhiều công trình lớn rộng hàng nghìn ha và các toà tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá,...
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. |
Ngoài ra, Công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như thi công công viên Chủ đề (công trình ngoài trời có quy mô khoảng 3.500 chỗ), xây dựng khu đô thị ở Đà Nẵng.
Quá trình thẩm vấn, một luật sư cho biết, từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2018 giá cổ phiếu ROS tăng từ 10.000đồng lên hơn 43.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, có giai đoạn mã cổ phiếu ROS tăng hơn 214.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2017.
Cũng theo cựu chủ tịch FLC, giai đoạn 2016-2018, bị cáo đã chỉ đạo mua từ thị trường hơn 1 triệu cổ phiếu ROS với giá mua trung bình là 107 đồng/cổ phiếu.
Tại sao bị cáo không chỉ đạo bán ra thị trường lúc giá cao mà để đến lúc chỉ còn khoảng hơn 2.000 đồng/cổ phiếu mới thực hiện bán ra”, luật sư hỏi ông Quyết. “Từ khi mua lại Công ty Faros bị cáo chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu, lúc nào cũng muốn giữ, sở hữu thêm và mua thêm.
Sau đó, ông Quyết phân trần, thời điểm 2020-2021, do dịch Covid-19 ông gặp khó khăn về tài chính nên đã bán số cổ phiếu của Công ty Faros. Trong suy nghĩ và kế hoạch của mình, ông bán ra nhưng sẽ mua lại. Tuy nhiên, sau khi bán, năm 2022 ông bị bắt nên không thực hiện được việc mua lại.
Quá trình khai báo, ông Quyết khẳng định Công ty Faros là công ty ông rất tâm huyết. Thế nên dù đã bán phần lớn cổ phiếu đi nhưng ông vẫn có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động bình thường của công ty. Do đó, ông Quyết đã lấy tài sản cá nhân của mình để đảm bảo cho các khoản vay.
“Hiện, bị cáo vẫn dùng tài sản cá nhân của mình để đảm bảo hoạt động bình thường của Faros. Đến nay, khoản đảm bảo vay này vẫn còn hiệu lực”, ông Quyết nói.
Tiếp lời, ông Quyết khẳng định, nếu bị HĐXX tuyên án phải bồi thường, ông xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục. Số tài sản này đang bị phong toả.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, ông mới được cơ quan cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản tâm huyết là hãng hàng không Bamboo, trước mắt đã thu được gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Số tiền 500 tỷ tiếp theo khi nhận từ việc bán hãng hàng không Bamboo, ông Quyết sẵn sàng nộp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, ông Quyết còn tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân, tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án.
“Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo được xử lý tài sản cá nhân gần 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án mà cơ quan điều tra đã và đang phong toả hơn 2 năm qua. Bị cáo tha thiết mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi”, ông Quyết nói.
Quá trình khai báo, ông Quyết khẳng định, em gái Trịnh Thị Minh Huế không có quyền quyết định đối với việc tăng vốn tại Công ty Faros và không có vai trò gì trong bộ máy của Công ty Faros.
Liên quan đến vấn đề bồi thường của ông Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) khai, sáng hôm qua (22/7), bà đã thay chồng nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng.
Số tiền này, bà Diệp vay mượn nhiều nơi để “làm theo mong muốn và nguyện vọng của chồng”. Đến nay, số tiền ông Quyết đã nộp là hơn 237 tỷ đồng, là người khắc phục nhiều nhất trong 50 bị cáo.