Cuu Bi thu Binh Duong khai khong chu truong “hop thuc hoa sai pham” hinh anh 1Bị cáo Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) khai báo trước Tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 20/8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều quan điểm, luận cứ gỡ tội cho thân chủ của mình.

Tranh luận về thời điểm áp đơn giá đất

Bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, bị cáo Trần Văn Nam bị cáo buộc thực hiện hành vi sai phạm là ký văn bản 3444 ngày 23/11/2012 áp đơn giá đất từ năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty Bình Dương năm 2012; tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, văn bản 3444 này không làm phát sinh thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Cụ thể, cáo trạng và luận tội nhận định: “Cần phải lấy giá xác định tiền sử dụng đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành năm 2012, tức là thời điểm có Quyết định giao đất, để tính tiền sử dụng đất cho Khu Dịch vụ của Tổng công ty 3/2 theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 120/2010/NĐ-CP.”

Luật sư Hướng trích dẫn Nghị định 120 quy định: “Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp thời điểm bàn giao đất không đúng với thời điểm ghi trong quyết định giao đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm bàn giao đất thực tế.”

Theo luật sư, như vậy, nếu thời điểm bàn giao thực tế sai khác với thời điểm có quyết định giao đất thì cần áp dụng giá tại thời điểm bàn giao thực tế để tính thu tiền sử dụng đất.

Thực tế, đất được bàn giao theo nhiều đợt và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã từng có quyết định phê duyệt đơn giá đất bình quân cho Khu Dịch vụ, do vậy bị cáo Nam mới không xác định cần phải áp dụng giá tính thu tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2012 khi có quyết định giao đất; đồng thời xem xét áp dụng mức giá 51.914 đồng/m2 cho phần bàn giao tại thời điểm năm 2006.

Luật sư Hướng còn cho rằng việc bị cáo Nam ký văn bản 3444 năm 2012 về áp giá là chỉ điều chỉnh đối với 43ha, đồng thời không gây ra thất thoát số tiền như quy kết của cáo trạng mà chỉ có thể là thất thu, chưa thu về cho ngân sách nhà nước, tài sản của nhà nước vẫn còn ở vốn của doanh nghiệp nhà nước.

[Cựu lãnh đạo Bình Dương: Đề nghị trả 188ha đất sai phạm cho tỉnh]

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Nam trong giai đoạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Dương (7/2010-12/2014) đã ký quyết định 2631/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 và số 48/QĐ-UBND ngày 7/1/2013 về giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 43ha và 145ha đất cho Tổng Công ty Bình Dương.

Bị cáo Nam đã ký văn bản số 3444/UBND-KTN ngày 23/11/2012 áp đơn giá đất từ năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty Bình Dương năm 2012, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Mặt khác, với vai trò Bí thư Tỉnh ủy (12/2015-7/2021), bị cáo Nam đã chủ trì cuộc họp thường trực Tỉnh ủy quyết định khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về cho công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.

Tuy nhiên tại cuộc họp ngày 17/4/2017, mặc dù biết rõ Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng 43ha đất cho Công ty Tân Phú, bị cáo Nam đã không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, chuyển giao về cho Impco, đồng thời tiếp tục cho chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Âu lạc dẫn đến mất toàn bộ quyền quản lý 43ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú.

Cuu Bi thu Binh Duong khai khong chu truong “hop thuc hoa sai pham” hinh anh 2Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng các bị cáo tại Phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Văn Nam cho rằng cuộc họp ngày 17/4/2017 không có giá trị chỉ đạo. Thường trực Tỉnh ủy không có trách nhiệm chỉ đạo đến cơ sở như thế.

Nếu không có chuyện cổ phần hóa, Thường trực Tỉnh ủy họp về Tổng Công ty Bình Dương rất ít, trừ khi có việc đột xuất. Bị cáo khai không nghe rõ, không biết rõ về việc bán 30% cổ phần như trên.

Bị cáo Nam cũng cho rằng, từ người soạn thảo đến Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực không có tư tưởng che giấu, hợp thức hóa sai phạm.

“Cái này đau lòng lắm, vì bản chất lãnh đạo Tỉnh Bình Dương không dung túng, tiếp tay cho sai phạm, không có suy nghĩ hợp thức hóa. Chỉ có điều chúng tôi làm chập chờn, còn chậm, để kéo dài nhiều năm do chờ ý kiến của Trung ương…,” bị cáo Nam nói.

Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án , đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nam mức án từ 9-10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Đã nộp đủ số thuế bổ sung

Trong vụ án này, 2 bị cáo Nguyễn Thanh Trúc (cựu Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) và bị cáo Võ Văn Lượng (cựu Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) bị Viện Kiểm sát xác định đã đồng thuận với ý kiến tham mưu, duyệt nội dung để trình bị cáo Trần Văn Nam ký văn bản 3444 cho phép áp dụng đơn giá đất năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho Tổng Công ty Bình Dương năm 2012.

Bào chữa cho 2 bị cáo trên, Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kiểm toán số thuế phải nộp bổ sung là hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 3/3/2021, Tổng công ty Bình Dương đã nộp số thuế bổ sung, số thuế tại 43 ha là 23 tỷ đồng và khu đất 145 ha là 79 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, số tiền bị coi là thất thu đã được khắc phục.

Luật sư đặt câu hỏi, nếu sau khi thu đủ số thuế mà Tổng Công ty Bình Dương phải nộp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thu hồi văn bản 3444 thì các bị cáo có liên quan đến công văn 3444 có bị xử lý hình sự nữa không?

Cũng theo Luật sư Giang Hồng Thanh, tỉnh Bình Dương có cơ đồ như ngày nay là cả quá trình cống hiến, gìn giữ của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Bình Dương. Năm 2012, Bình Dương là tỉnh thu hồi vốn đầu tư nhà nước lớn nhất cả nước.

Chính vì công sức đó, các bị cáo trong vụ án này cũng đã được ghi nhận nhiều công sức đã bỏ ra. Vậy nên, luật sư mong muốn Hội đồng xét xử cân nhắc giữa công và tội cho các bị cáo./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)