Cách đây 78 năm, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã giương cao ngọn cờ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” biến từng con phố, ngôi nhà thành chiến hào, chiến lũy triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng nghìn tấn máy móc, vật tư ra an toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến.
Trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường đó, quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện để cả nước bước vào triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.
Cuộc kháng chiến chủ động, sáng tạo của dân tộc yêu chuộng hòa bình
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, một thành tựu vĩ đại của chặng đường đấu tranh đầy hy sinh và anh dũng của dân tộc. Tuy nhiên, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Trong khi đó, Nhà nước cách mạng non trẻ đang đứng trước vô vàn thử thách, chính quyền chưa được củng cố vững chắc.
Trước tình thế đó, bằng con đường ngoại giao, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tìm kiếm giải pháp nhằm giữ độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Chúng ta đã nhân nhượng ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) với Pháp. Tuy vậy, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước những vấn đề đã ký kết, lấn tới, tuyên bố: Thi hành mọi biện pháp quân sự nhằm khôi phục quyền thống trị.
Nhưng cũng sớm nhận biết “không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp” (1), Đảng ta đã dự liệu: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, vẫn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc ấy và nhất định không để đàm phán với Pháp làm nhụt ý tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” (2). Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đàm phán với Pháp nhằm để kéo dài thời gian chuẩn bị, tạo thế, tạo lực cho cuộc kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra sức chuẩn bị về tư tưởng, đường lối, tổ chức, lực lượng, cũng như xây dựng quyết tâm kháng chiến cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Những quan điểm cơ bản của Đảng về đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp từng bước hình thành, thể hiện ở Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 5/11/1945), văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” (ngày 5/11/1946), Toàn dân kháng chiến (ngày 12/12/1946)... và đã được xác định tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại Vạn Phúc (ngày 18 và 19/12/1946). Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài.
Sau gần 16 tháng lực lượng cách mạng được chuẩn bị mọi mặt, Đảng đã trưởng thành một bước trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng; đội ngũ đảng viên được tăng cường, chính quyền cách mạng ngày càng được củng cố vững mạnh; lực lượng vũ trang có bước phát triển mới, có thêm kinh nghiệm chiến đấu từ Nam Bộ kháng chiến. Đặc biệt là chúng ta đã xây dựng quyết tâm chiến đấu và niềm tin tất thắng trong nhân dân.
Đây là động lực to lớn để thúc đẩy cách mạng phát triển; là nhân tố tiên quyết bảo đảm cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc.” (3)
Khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước
Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động Toàn quốc kháng chiến.
20 giờ ngày 19/12/1946, Hà Nội đi đầu, nổ súng tấn công quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc.
Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến, khẳng định rõ:
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.” (4)
Đáp lại Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc đã nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tại Hà Nội, sau hiệu lệnh nổ súng, Vệ quốc đoàn và Tự vệ đồng loạt tiến công các mục tiêu trong trung tâm thành phố. Phối hợp với bộ đội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp chặn địch.
Cùng với quân, dân Thủ đô, quân và dân các đô thị từ Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, như: Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... cũng nổ súng tiến công giam chân địch trong các thành phố, thị xã, giành được thắng lợi bước đầu.
Ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lực lượng vũ trang và nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu quyết liệt, anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã giành được những thắng lợi quan trọng, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Trải qua gần hai tháng liên tục chiến đấu, quân dân ta giành thắng lợi quan trọng: thực hiện tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch trong thành phố, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, vật chất (ta đã vận chuyển được gần 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu ra vùng căn cứ); tranh thủ thời gian tổ chức cho hàng chục vạn nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài.
Mãi là bài học đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Khí thế của Toàn quốc kháng chiến vẫn là bản anh hùng ca nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời, tiếp thêm sức mạnh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của Nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX và để lại nhiều bài học vô cùng quý giá.
Đó là, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững mục tiêu bất biến là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; linh hoạt trong sách lược nhằm phân hóa, cô lập và loại bớt kẻ thù, tạo thêm thời gian và điều kiện để củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Đó là bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là chất keo sơn để tiếp tục củng cố, quy tụ thành sức mạnh nội sinh của dân tộc nhằm xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; bảo đảm vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong công cuộc đổi mới, để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình lâu dài của đất nước, tư tưởng “hòa bình” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên từ ngày đầu phát động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã luôn soi đường, chỉ lối cho Đảng ta, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta tập trung vào thực hành và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khát vọng hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ phá hoại, xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do đất nước ta không chỉ được nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy trong mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Gần 80 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc cũng như giá trị lịch sử Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Sự kiện đã góp phần khẳng định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp. Mặt khác, thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), tạo cơ sở vững vàng cho ta giành được thành quả cách mạng trong những chặng đường tiếp theo./.
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, tr.133
(2): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr.46
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.89
(4): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534.