Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định 6 tháng đầu năm nay, số lượng sự cố uy hiếp an toàn bay có giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên sự cố do yếu tố con người và sự cố kỹ thuật thì tăng cao.

Theo thống kê của Cục Hàng không, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 281 máy bay, trong đó có 250 máy bay cánh bằng (độ tuổi trung bình là 7,95), 31 trực thăng (độ tuổi trung bình là 15,6 năm) tăng 4 tàu bay so với cùng kỳ năm 2022.

Về tình hình đảm bảo an toàn hàng không sáu tháng đầu năm nay, dựa trên các chỉ số trên 1.000 chuyến bay, sự cố mức C giảm 65%; mức D giảm 35% và mức E giảm 23%.

Tuy nhiên, trong sáu tháng qua, hàng không để xảy ra 1 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến máy bay trực thăng BELL 505 ngày 5/4 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng khiến 5 người thiệt mạng (bao gồm 1 phi công và 4 hành khách), hiện vẫn đang trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn; xảy ra 45 sự cố uy hiếp an toàn bay trong đó có 1 sự cố mức B liên quan đến vi phạm khoảng cách an toàn tại Nội Bài ngày 24/6; 3 sự cố mức C chủ yếu liên quan đến hỏng động cơ máy bay trong quá trình bay.

Phân loại sự cố so với sáu tháng cùng kỳ năm 2022, ông Thắng cho biết sự cố liên quan đến kỹ thuật tăng 11% và sự cố liên quan đến con người tăng 12,5%. Tuy nhiên, những sự cố mà trước đây xảy ra nhiều như chim va đập vào máy bay giảm về số vụ. Số lượng chuyến bay tiếp cận không ổn định và tổ lái bắt buộc phải bay lại trong sáu tháng đầu năm nay xảy ra 13 vụ (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

[Bộ GTVT chỉ đạo nóng về đảm bảo an toàn bay trong dịp cao điểm]

Đánh giá về công tác an toàn hàng không sáu tháng đầu năm, ông Thắng nhận định tuy số lượng sự cố có giảm so với cùng kỳ tuy nhiên sự cố do yếu tố con người và sự cố kỹ thuật thì tăng cao.

Đưa ra giải pháp, trên cơ sở chương trình an toàn quốc gia được Bộ Giao thông Vận tải ban hành, Cục Hàng không sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát điều chỉnh về hệ thống quản lý an toàn của tất cả các đối tượng trong hệ thống khai thác bao gồm khai thác bay, quản lý hoạt động bay, các cảng hàng không; rà soát toàn bộ các chương trình liên quan đến công tác điều hành bay, quản lý cảng hàng không, khai thác máy bay nhằm phát hiện kịp thời các sự việc liên quan đến mất an toàn hàng không.

Cuc truong Hang khong noi ve nguyen nhan cac su co mat an toan bay hinh anh 1Nhân viên Trung tâm kỹ thuật khu bay tiến hành kiểm tra trực quan đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài định kỳ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cục Hàng không tập trung nguồn lực để thực hiện công tác phân loại, phân tích điều tra nguyên nhân dẫn đến các sự cố mất an toàn nhằm xác định đầy đủ các nguyên nhân từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời tất cả các lĩnh vực.

“Cục cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan đơn vị cung cấp dịch vụ cảng hàng không, điều hành bay, nghiêm túc thực hiện quy định khai thác nhằm giảm thiểu sự cố liên quan đến điều hành và khai thác máy bay, cá biệt là tuân thủ các quy trình quy định của nhân viên hàng không,” ông Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ chương trình an toàn quốc gia, chương trình an toàn cất hạ cánh, các biện pháp tổng thể hoàn thiện để đảm bảo an toàn khai thác máy bay; giám sát đường lăn, sân đỗ, đường băng để kịp thời phát hiện các vật thể ngoại lai có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không; chỉ đạo các hãng hàng không rà soát lại chương trình bảo dưỡng máy bay./.

Việt Hùng (Vietnam+)