Cục Hàng hải VN ký hợp tác với STC Next về đào tạo nguồn nhân lực hàng hải
09:00 - 28/06/2023
Bản ghi nhớ có mục tiêu thúc đẩy củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Cục Hàng hải Việt Nam và STC Next nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực hàng hải tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (IC8), chiều 26/6 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam tại La Hay (Hà Lan).
Tọa đàm có sự tham dự của gần 30 doanh nghiệp lớn của Hà Lan và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển, khai thác, nạo vét, dịch vụ hàng hải, logistics, năng lượng tái tạo, nông nghiệp...
Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Hai nước đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác phát triển, bao gồm: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Nông nghiệp, Năng lượng, Kinh tế biển và Dịch vụ vận tải logistics.
Tại tọa đàm, đại diện một số tập đoàn của Hà Lan bày tỏ quan tâm đến các dự án liên quan đến bảo vệ bờ biển; khai thác cát ngoài khơi làm vật liệu thay thế cho các dự án xây dựng, giao thông; nạo vét các luồng hàng hải lớn; xây dựng cảng khí hoá lỏng; sản xuất hydro, amoniac; số hoá quá trình trao đổi thông tin cảng biển.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MOU) trong huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực hàng hải giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty STC B.V (STC Next) - một pháp nhân được tổ chức hợp pháp và thành lập theo luật pháp Hà Lan, có trụ sở đăng ký và trụ sở kinh doanh chính tại Soerweg 31, 3088 GR Rotterdam.
Bản ghi nhớ này có mục tiêu thúc đẩy củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Cục Hàng hải Việt Nam và STC Next nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực hàng hải tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác gồm: Huấn luyện về lĩnh vực cảng, vận tải và hậu cần.
Mức độ của các hoạt động huấn luyện bao gồm từ huấn luyện vận hành đến quản lý; Đào tạo về lĩnh vực cảng, vận tải và hậu cần. Cấp độ của các hoạt động đào tạo bao gồm từ cao đẳng/dạy nghề, cử nhân và sau đại học; Xây dựng tài liệu đào tạo, huấn luyện cho các chương trình nêu trên; Tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên và giáo viên thông qua các chương trình huấn luyện chuyên sâu tập trung cả về nội dung và kiến thức, kỹ năng sư phạm.
Biên bản ghi nhớ này có hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ ngày ký, với hình thức hợp tác trên cơ sở từng dự án.