Với các xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định ngang nhiên dừng, đỗ và đón trả khách tại một hoặc nhiều địa điểm văn phòng của đơn vị kinh doanh vận tải trên các tuyến phố, Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 trong đó có các quy định cụ thể, nhằm xử lý tận gốc thực trạng này.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách; trong đó tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Có khoảng 1/4 trong số này, tương đương khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh xung quanh trong bán kính dưới 200km.
Đặc biệt, loại hình xe này đang thực hiện đón trả khách ở một hay một số địa điểm cố định tại các văn phòng trong nội thành trái quy định mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng rất khó xử lý do vướng mắc về chính sách do việc phân loại loại hình kinh doanh trong Luật Giao thông đường bộ 2008 không còn phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ. Xe tuyến cố định và xe hợp đồng, xe taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ có cùng phân khúc khách hàng, điều kiện kinh doanh khác nhau nhưng hoạt động tương tự nhau nên đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho quản lý.
Để hạn chế tình trạng này, đối với xe hợp đồng và du lịch, Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 theo hướng tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng.
Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) đang đón trả khách tại một hoặc nhiều điểm cố định của công ty kinh doanh vận tải sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố.
Bên cạnh đó, Nghị định 10/NĐ-CP bổ sung sửa đổi lần này cũng sẽ lượng hóa cụ thể để thuận tiện cho việc xử lý vi phạm bằng quy định xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết với hoạt động vận tải khách, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải hoạt động đúng bản chất hợp đồng. Xe hợp đồng trá hình phải vào bến và được đón trả khách tại các điểm do Nhà nước quy định. Tại các đô thị thuộc tỉnh có thể cho phép đón tại nhà vì khó xảy ra ùn tắc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay bến hiện có công suất 850 xe ra vào bến/ngày, tuy nhiên số lượng xe hoạt động thực tế chỉ là 450 xe.
"Quy định pháp luật cho phép doanh nghiệp vận tải được dùng xe trung chuyển nhưng tất cả doanh nghiệp đều làm sẽ có lượng xe rất lớn lưu thông. Do đó, cần thiết phải có một công ty hay đơn vị độc lập được cơ quan quản lý phê duyệt cho chuyên chạy xe trung chuyển,” ông Lập kiến nghị.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 78 điểm bến cóc, lợi dụng văn phòng đón trả khách. Dù lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra nhưng không thể xử lý dứt điểm.
Khẳng định xe hợp đồng vào bến sẽ giảm được tình trạng “xe dù bến cóc,” ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận trường hợp xe vào bến khiến công suất bến quá tải, thành phố có thể nghiên cứu cho phép các bến tạm.
Ông Tuyển thừa nhận hiện rất khó đánh giá được các bến xe trên địa bàn Hà Nội có đủ công suất cho xe ra vào bến hay không. Công suất bến phụ thuộc vào việc bố trí tần suất xe. Đối với các tuyến ngắn, công suất bến rất lớn với hàng nghìn lượt xe/ngày.
“Với các tuyến dài, lượng xe ít, công suất sẽ thấp hơn. Dù chưa đánh giá được đầy đủ các yếu tố nhưng vẫn cần mạnh dạn thực hiện," ông Tuyển góp ý./.