Cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện gửi sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố; các khu quản lý đường bộ; ban quản lý dự án; doanh nghiệp/nhà đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh khai thác đường quốc lộ, đường cao tốc về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 2/9.
Theo đó, Cục Đường bộ đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bố trí đủ số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu vận chuyển khách; tuyệt đối không đưa xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật ra hoạt động kinh doanh vận tải; quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày, tuyệt đối không điều khiển xe khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở; theo dõi và duy trì tình hoạt động, truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với các xe thuộc đối tượng phải lắp), thường xuyên có báo cáo các trường hợp vi phạm và công tác xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Bến xe khách có kế hoạch huy động phương tiện chuyển tải khách trong trường hợp có xe bị hư hỏng hoặc bị xử lý vì chở quá số khách quy định; triển khai các hình thức bán vé, niêm yết giá vé công khai, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé đồng thời có biện pháp phòng, chống việc đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật xuất bến theo quy định.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BOT phối hợp với lực lượng chức năng có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, khi cần thiết mở cửa trạm để xử lý ùn tắc giao thông theo quy định để hạn chế ùn tắc; giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, đặc biệt trên các cửa ngõ ra, vào Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa điểm du lịch lớn.
[Đi lại Quốc khánh 2/9: Hàng không, tàu xe 'ế' vé, còn nhiều mức giá rẻ]
Các đơn vị nêu trên tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm giao thông đường bộ được an toàn, thông suốt; thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí quy định, trong đó kịp thời sửa chữa nền, mặt và lề đường, bảo đảm không để mặt đường có ổ gà, vỡ hỏng, sình lún, hằn lún sâu; kịp thời sửa chữa hư hỏng và bổ sung các vị trí còn thiếu để tăng cường an toàn giao thông trên tuyến.
Các sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố; các khu quản lý đường bộ; ban quản lý dự án; doanh nghiệp/nhà đầu tư dự án cần kiểm tra đánh giá khả năng làm việc của cầu, chú trọng đến cầu yếu, cầu đã xuất hiện hư hỏng, xuống cấp, cầu đã khai thác trên 10 năm; tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên đối với các công trình tường chắn, công trình phòng hộ, đường cứu nạn để nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tại các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các dự án sửa chữa, bảo trì đường bộ, nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng để sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần bảo đảm giao thông đường bộ được an toàn, thông suốt; có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên, người lao động trực, gác, hướng dẫn, điều tiết giao thông trong trường hợp cần thiết.
Đối với các dự án sửa chữa trên quốc lộ, đường cao tốc, Cục Đường bộ yêu cầu các khu quản lý đường bộ, sở giao thông vận tải, ban quản lý dự án, nhà đầu tư BOT phải dừng thi công trước và trở lại thi công sau ngày nghỉ Lễ./.