Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, đã chính thức được nhận danh hiệu Thủ đô Kiến trúc thế giới 2023 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) theo đề xuất của Liên minh Kiến trúc sư quốc tế (UIA).
Lễ vinh danh được tổ chức tại trụ sở Hội đồng thành phố Copenhagen ngày 17/1. Dự kiến, trong năm nay, tại thành phố này sẽ diễn ra khoảng 300 sự kiện liên quan đến lĩnh vực kiến trúc với chủ đề bao trùm "Tương lai bền vững-Không để ai bị bỏ lại phía sau."
Trong số các sự kiện này, đáng chú ý là Đại hội Kiến trúc sư thế giới 2023 diễn ra vào tháng 7 tới, nơi dự kiến quy tụ hơn 10.000 chuyên gia tham dự.
Sự kiện sẽ do Bella Center - Trung tâm hội nghị và triển lãm lớn nhất vùng Scandinavia tại Copenhagen - tổ chức.
Thị trưởng Copenhagen, bà Sophie Andersen, cho biết đây là cơ hội để giới thiệu các giải pháp của Đan Mạch trong lĩnh vực kiến trúc, phát triển đô thị và tính bền vững, cũng như là dịp quan trọng nhằm thúc đẩy đối thoại về việc phát triển thủ đô hơn nữa trong tương lai.
Theo bà, nếu Copenhagen tiếp tục là một trong những thành phố tốt nhất thế giới, thì thành phố này cần phải giải quyết những thách thức lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và thiếu nhà ở.
Cứ 3 năm 1 lần, UIA cùng UNESCO sẽ chọn ra một thành phố đã có những thành công nhất định trong quy hoạch đô thị và kiến trúc bền vững để thắp sáng ngọn đuốc của Đại hội Kiến trúc sư thế giới, sự kiện diễn ra tại nơi được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc Thế giới.
[Copenhagen - thành phố đứng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống]
Trước Copenhagen, Thủ đô Kiến trúc Thế giới là thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Hiện Copenhagen đã nhận ngọn đuốc của danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới từ Rio de Janeiro.
Đối với giới kiến trúc sư, Copenhagen là biểu tượng của những sáng tạo đột phá hướng tới sự bền vững: không gian công cộng, văn hóa xe đạp, kiến trúc và ẩm thực.
Có thể nói, kiến trúc của thành phố Copenhagen luôn mang tính định hướng con người đến một lối sống bền vững: không ôtô, không rác thải, không ô nhiễm, không lãng phí và thân thiện với hệ sinh thái.
Copenhagen đặt mục tiêu trở thành thành phố không carbon vào năm 2030./.