Cong ty khi dot cua Nga thu hoi no khi dot bang ngoai te hinh anh 1Nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở gần Korsakov trên đảo Sakhalin (Nga). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin được công bố trên cổng thông tin pháp lý ngày 30/12, các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga có thể giải quyết nợ với những khách hàng từ các quốc gia không thân thiện bằng ngoại tệ trong trường hợp họ thu hồi khoản nợ cung cấp khí đốt từ những người mua đó hoặc nếu khách hàng tự trả nợ. 

Sắc lệnh quy định rằng các khoản thanh toán có thể được thực hiện bằng ngoại tệ, sử dụng tài khoản đặc biệt do ngân hàng được ủy quyền mở trên cơ sở ứng dụng của nhà cung cấp Nga.

Sắc lệnh lưu ý "việc trả nợ của khách hàng nước ngoài theo hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên không phải là căn cứ để nối lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nhà cung cấp Nga, trong trường hợp khách hàng nước ngoài không tuân thủ thủ tục được thành lập bởi sắc lệnh này.”

[Gazprom ước tính nhu cầu khí đốt toàn cầu giảm 65 tỷ m3]

Kể từ ngày 1/4 năm nay, khách hàng thuộc các quốc gia không thân thiện chỉ có thể trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Tuy nhiên, xét đến vấn đề tiền tệ của các hợp đồng (thường là USD và euro), Moskva đã nhượng bộ đối tác. Cụ thể, khách hàng sẽ phải chuyển tiền bằng ngoại tệ cho Gazprombank, ngân hàng này sẽ mua đồng ruble trên các sàn giao dịch và chuyển chúng sang tài khoản đặc biệt bằng đồng ruble của các nhà nhập khẩu.

Đồng thời, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và giá cố định trong các hợp đồng đã ký kết trước đó.

Ủy ban châu Âu ban đầu coi kế hoạch này là vi phạm lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cơ quan này đã ban hành các quy định mới, theo đó các nhà nhập khẩu châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt Nga mà không bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt đối với Moskva đồng thời có thể mở tài khoản ngân hàng để thanh toán bằng loại tiền được quy định trong hợp đồng.

Trong một diễn biến khác, ngày 30/12, tờ Financial Times của Anh dẫn dữ liệu của các công ty vận chuyển cho biết Nga tuân thủ các yêu cầu về trần giá dầu và không từ chối cung cấp dầu thô theo hợp đồng quy định giá trần. 

Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt các hạn chế đối với các chuyến vận chuyển dầu ra nước ngoài của Nga từ ngày 5/12.

Các biện pháp trừng phạt yêu cầu người mua chứng minh rằng dầu thô mua của Nga thấp hơn 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, Financial Times cũng xác nhận rằng mức giá trần vẫn chưa gây thêm bất tiện cho các nhà xuất khẩu Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)