Cong ty dien toan dam may My doi mat canh tranh gay gat tu Trung Quoc hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Theo giới quan sát, các công ty điện toán đám mây thống trị toàn cầu của Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mới nổi từ Trung Quốc ở Đông Nam Á, cho thấy cách thức các công ty hàng đầu thuộc hai đối thủ địa chính trị cạnh tranh với nhau trong lĩnh vực công nghệ ra sao.

Các công ty chủ chốt của Trung Quốc như Alibaba, Huawei và Tencent đang có kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường Đông Nam Á trong những năm tới. Trong khi đó, dịch vụ đám mây của Amazon và Microsoft vẫn chiếm ưu thế về thị phần, đặc biệt là ở thị trường Singapore.

Song giới quan sát chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc đã thâm nhập những thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia trước các đối thủ Mỹ.

[Alibaba đầu tư 1 tỷ USD hỗ trợ khách hàng sử dụng điện toán đám mây]

Với mức giá thấp hơn 20% đến 40% với các công ty Mỹ, các doanh nghiệp điện toán Trung Quốc đã thành công thu hút được những khách hàng nhạy cảm về giá này.

Ở khu vực Đông Nam Á, cả Alibaba, Huawei và Tencent đều có nhiều vùng khả dụng hơn so với Amazon Web Services, Microsoft Azure hay Google Cloud. Trong phân khúc dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây, các công ty của Trung Quốc đã vượt qua Google về thị phần tại Thái Lan.

 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, Đông Nam Á là thị trường ưu tiên của nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty điện toán đám mây. Vì họ nhìn thấy cơ hội chuyển lợi nhuận tốt hơn ở đó so với các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu. Ngược lại, tại các thị trường phát triển, các công ty của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Theo công ty nghiên cứu Twimbit có trụ sở tại Singapore, vị trí dẫn đầu của các công ty Mỹ trong khu vực Đông Nam Á sẽ chưa bị thay đổi nhanh chóng, nhưng các công ty Trung Quốc sẽ tăng cạnh tranh về lâu dài.

Các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư vào việc đào tạo nhân tài địa phương để họ làm quen với hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng công nghệ của Trung Quốc./.

Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)