Công an Hà Nội khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh

17:07 - 30/08/2024

Công an Thành phố Hà Nội đưa ra các khuyến cáo về an toàn phòng cháy tới người dân, doanh nghiệp trong dịp nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày.

Người dân cần chủ động đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Người dân cần chủ động đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh, Công an Thành phố khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở; chủ hộ gia đình và người dân như sau:

I. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với chủ hộ gia đình:

1. Đối với các hộ gia đình, nhà ống, nhà liền kề: Không tồn chứa xăng, dầu, cồn, gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ khác trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

2. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh.

 

3. Thời gian nghỉ lễ khi đi xa phải kiểm tra hệ thống ga (nếu có), hệ thống thiết bị điện. Trước khi rời khỏi nhà phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng, nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả căn nhà nếu không hoạt động trong dài ngày.

4. Trang bị sẵn bình chữa cháy, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, vật dụng phương tiện thoát nạn.... Lắp đặt thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao như: rơ le, cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn; bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu 0,5m.

5. Đối với người dân và các hộ kinh doanh: nên cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện khi nấu nướng vui chơi. Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trong suốt quá trình kinh doanh, sản xuất: không sạc điện thoại, xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm....

vnp_ trung tam pccc 1-6 1.jpg
Công an Hà Nội hướng dẫn trẻ em thoát nạn với mô hình giả lập nhiều khói trong đám cháy. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

6. Nhờ người thân, hàng xóm hoặc bạn bè thân thiết,.. đến trông nhà (trong trường hợp có thể) hoặc gọi điện báo cho chủ hộ, chủ phòng trọ nơi mình đang thuê giúp trông coi, theo dõi để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có sự cố hay cháy, nổ xảy ra.

7. Nếu điều kiện cần hoặc bắt buộc, nên thực hiện việc lắp đặt camera quan sát nhà ở qua điện thoại để kịp thời cảnh báo cho lực lượng chức năng phòng cháy, chữa cháy nếu chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.

II. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với cơ quan, doanh nghiệp:

1. Tại nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả cơ sở, công trình và cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn tại nơi quy định; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho lối thoát nạn.

2. Lắp đặt thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao như: rơ le, cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn; bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu 0,5m.

3. Tắt hết các thiết bị điện không sử dụng khi ra khỏi cơ quan, cơ sở kinh doanh, công ty, xưởng sản xuất, quầy hàng... để nghỉ Lễ dài ngày. Nếu cần thiết có thể tắt hẳn cầu dao điện tổng của cả cơ sở, cửa hàng, công ty, xưởng sản xuất nếu không hoạt động trong dài ngày.

4. Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình. Tăng cường công tác tự kiểm tra đối với lực lượng, phương tiện tại cơ sở. Đồng thời các cơ sở phải có kế hoạch phân công lực lượng thường trực 24/24 trong thời gian nghỉ lễ 2/9.

5. Chủ động phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đề ra tình huống phức tạp nhất để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại các cơ sở, công trình.

vnp_ chay kcn 2.jpg
Các doanh nghiệp, khu công nghiệp cần tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tránh hỏa hoạn gây thiệt hại lớn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

6. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra.

7. Kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, công cụ phá dỡ (hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, bình chữa cháy; búa, kìm cộng lực, đèn pin, mặt nạ phòng độc, thang, dây hạ chậm, nguồn nước…) để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

8. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện cho những cán bộ, công nhân viên, lao động hợp đồng... làm việc trong từng cơ sở kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; thành thạo xử lý các tình huống, sự cố theo phương án đã đề ra; hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ, dụng cụ phá dỡ đã được trang bị và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy.

9. Đổi với cơ quan, doanh nghiệp: thực hiện tốt các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định trong quá trình sản xuất và khi nghi Lễ, ngừng hoạt động, sản xuất và khi hoạt động trở lại nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, chạm chập gây cháy, nổ...

10. Người dân khi đến những nơi tập trung đông người cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và người dân hãy tích cực chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy; không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định phát triển kinh tế xã hội./.

Khi xảy ra cháy, người dân cần nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114Ứng dụng BAOCHAY 114, hoặc Công an phường gần nhất. Và thực hiện quy trình các bước xử lý:

Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.