Cỏ trong tình yêu và thân phận

15:14 - 10/08/2021

Ai mà không biết cỏ, ai mà không nhớ cỏ. Rất nhiều người có tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ. Ai không một lần ngả lưng trên cỏ? Ai không một lần với mối tình đầu của mình đắm say trên cỏ? Trong miền ký ức lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa buồn và vui, giữa hạnh phúc và tiếc nuối chưa nguôi ngoai trong thẳm sâu tâm hồn có...cỏ.

trong-tao-1628571754.jpg

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sỹ Giáng Sol giao lưu với khán giả về ca khúc “Cỏ và mưa” trong đếm nhạc “Khúc hát sông quê” tại Nhà hát lớn Hà Nội, năm 2017. Ảnh: Ngô Đức Hành

 Cỏ nói trong bài viết mi ni này là cỏ dại (cây cỏ, đám cỏ, bụi cỏ), nó là thảm thực vật tự nhiên. Việt Nam là đất nước thật hạnh phúc, đến cây cỏ cũng muôn loài. Không phải đất nước nào cũng có đâu. Chắc chắn thế rồi. Cỏ thuộc bộ Hòa thảo mọc dại hoặc được trồng cấy. Xã hội đang phát triển, cỏ bây giờ cũng được nhập ngoại trồng trong các dinh thự của nhà giàu, quan chức hay các khu resort 5 sao, 6 sao hoặc sân golf, sân cricket, sân quần vợt; nhưng cứ hãy nghĩ đến cây cỏ, trong đôi mắt trẻ thơ khi ta lớn lên, nhìn thấy quanh nhà.

Ai mà không biết cỏ, ai mà không nhớ cỏ. Rất nhiều người có tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ. Ai không một lần ngả lưng trên cỏ? Ai không một lần với mối tình đầu của mình đắm say trên cỏ? Trong miền ký ức lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa buồn và vui, giữa hạnh phúc và tiếc nuối chưa nguôi ngoai trong thẳm sâu tâm hồn có...cỏ. Vì thế mà cỏ đi vào thơ ca, âm nhạc. Cỏ là hiện thực, đi vào văn học nghệ thuật, đầu tiên với tư cách “ngôn từ”, sau đó cỏ trở thành thi ảnh, có thể là “anh”, là “em”, là “chúng ta”, là bao thứ mơ hồ, khái niệm hư ảo, huyễn hoặc.

hoa-lco-1628571754.jpg
 

Nhạc sỹ Trúc Phương trong ca khúc “Thói Đời” có câu “Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi…” Trong bài hát này có cụm từ Trúc Phương sử dụng tương đối lạ, khiến cho nhiều ca sĩ trẻ không hiểu và hát sai, đó là “Cỏ ưu tư”. Đến cỏ cũng có thân phận, có hồn, biết vui, buồn.

Trong số những nhà thơ trữ tình, giàu cảm xúc, tôi nhớ nhà thơ “người đàn bà yêu” Đinh Thị Thu Vân. Hãy xem cỏ đi vào thơ chị:

...

Em đâu dám ví mình như lá cỏ

Như loài hoa tim tím dại bên đường

Không vóc dáng không sắc màu không tất cả

Em chỉ lả...tất cả chỉ là thương

(Sau cánh cửa)

 

Người đàn bà yêu” trong thơ Đinh Thị Thu Vân cao cả, mãnh liệt, dâng hiến, tan chảy...Dẫu vậy nhưng có lúc yêu đến tự ti “Em đâu dám ví mình như lá cỏ”. Nghĩ ra thì rất đúng, cỏ có sức sống mãnh liệt, lá cỏ tượng trưng cho sức sống của cỏ. “Dám” trong tiếng Việt là động từ, có nghĩa hành động không ngại, không sợ, tự tin để làm những việc khó khăn, nguy hiểm. Đinh Thị Thu Vân “dám” đấy, nhưng chị thấy so với lá cỏ chị thấy mình chưa tận đắp đổi.

Nhà thơ Trần Quốc Thực cũng có bài thơ “Cỏ ướt” khá đặc biệt với hai câu thơ: “Chỉ thấy bờ mi em rung/ bấy giờ mới tin cỏ ướt”. Nó là hạnh phúc của đôi trai gái khi yêu, làm xốn xang cả đất trời. “Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ/ Cỏ uống mưa run rẩy / Cỏ đang thì / mưa rào đến rồi đi / Cỏ xanh niềm ngơ ngác...”, đây là những câu thơ trong bài thơ “Cỏ và mưa” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ đã được nhạc sỹ Giáng Sol (thành viên cũ sáng lập Ban nhạc Năm dòng kẻ) phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Rất, rất nhiều nhà thơ, tác giả thơ khác đưa cỏ - với tư cách là ngôn ngữ trữ tình vào thơ, không ít tác giả thành công.

co-uu-tu-1628571902.jpg
 
Cỏ ưu tư muồn phiền...Nguồn: Internet

Trong lịch sử tiến hóa của người Việt, có những giai đoạn người Việt cổ dùng cỏ bện thành giày, thành dép...Giày cỏ đã nâng niu “bàn chân Việt” trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh Đằng trong, Đằng ngoài, đánh bại quân Thanh lập nên nhà nước Đại Việt. Cỏ không chỉ là ngôn ngữ trữ tình, cỏ còn là ẩn dụ của thân phận con người. Đã biết bao thời kỳ đau thương của dân tộc, phận người bị xem như cỏ rác? Đã có lúc dân còn được goi là “thảo dân”, có nghĩa như cây cỏ. Nhà thơ hơn ai hết là người biết đau nỗi đau của đời, đau nỗi đau của người, vì thế mới thành thơ, cần thơ. Cỏ thành ẩn dụ của thân phận trong tác phẩm.

Trong trường ca “Gửi” gần đây của nhà thơ Thy Nguyên (Hải Phòng) có câu: “Chỉ thấy tiếng người đậu trên nhành cỏ dại”. Kiếp người đúng là kiếp cỏ, bé mọn, dễ bị dập vùi...Vậy như cỏ luôn hát khúc trường tồn, bất diệt. Cây cỏ bình dị thôi nhưng muôn đời; cũng như phận dân, phận thảo dân. Một nhà chính trị chuyên nghiệp từng nói: “Trong bầu trời này không gì quý nhất bằng nhân dân” cơ mà, do vậy, bất cứ thể chế chính trị nào cũng phải nêu cao lá cờ “an dân”. Không có dân thì quan lấy ai cai trị, ai làm ra vật chất nuôi quan, cả những sáng tạo tinh thần, thành tố của văn hóa các quốc gia, dân tộc./.

Ngày 10/8/2021

NĐH

 

 

 

 

 
Bạn đang đọc bài viết "Cỏ trong tình yêu và thân phận" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. Chuyên trang Hội nhập | Hotline: 08.4646.0404
https://vanhoavaphattrien.vn/co-trong-tinh-yeu-va-than-phan-a5175.html