Co phieu ngan hang mo phien chim sac do sau khi SVB pha san hinh anh 1(Nguồn: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trước tác động của việc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ tuyên bố phá sản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cùng chiều với các thị trường thế giới khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Các chỉ số đồng loạt đi xuống và chỉ sau 15 phút mở cửa phiên giao dịch phiên 13/3, VN-Index giảm hơn 7 điểm, HNX-Index và UPCOM-Index giảm nhẹ.

[Ngành ngân hàng Mỹ choáng váng vì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank]

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chìm sâu trong sắc đỏ và chỉ còn duy nhất VPB giữ được sắc xanh.

Sắc đỏ cũng lan rộng tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, dầu khí, thực phẩm đồ uống...

 

Đến thời điểm 9 giờ 32 phút, số mã cổ phiếu giảm điểm vẫn chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mức giảm của VN-Index được thu hẹp còn hơn 2 điểm.

Trước đó, ngày 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/3 và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt."

SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, trong đó có Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử và Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB.

Phần lớn tiền gửi của Roku Inc không có bảo hiểm, khiến giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm tới 10%.

Sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định.

Mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB có phần cá biệt, nhưng đây vẫn là hồi chuông cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khách hàng và nhân viên ở những ngân hàng khác.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho rằng sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm.

Thực tế, hai phiên gần nhất, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn.

Ông Ngọc nhận định cần thời gian để kiểm chứng xem những tác động từ vụ phá sản SVB có lan tỏa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không.

Hiện tại, Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với SVB, nên nếu có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam thì cũng chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)