Cơ hội nào cho ô tô điện giá rẻ tại Việt Nam?
08:23 - 25/05/2023
Kích thước nhỏ và giá rẻ là lợi thế của các dòng ô tô điện mini đang "nhăm nhe" vào Việt Nam. Tuy nhiên, liệu loại hình phương tiện này có thành công hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn.
Phân khúc hoàn toàn mới
Hiện tại, TMT Motors đang cấp tập chuẩn bị để chính thức ra mắt mẫu xe điện mini đầu tiên là Wuling HongGuang MiniEV vào tháng 6/2023. HongGuang MiniEV là mẫu xe điện mini đến từ Trung Quốc và được TMT Motors lắp ráp tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của HongGuang MiniEV sẽ chính thức khai mở một phân khúc ô tô hoàn toàn mới là xe điện mini. Vừa qua, ngay trong khuôn khổ triển lãm Autotech & Accesories 2023 diễn ra tại TP.HCM, hãng ô tô điện Zhidou (Trung Quốc) cũng lần đầu tiên cho ra mắt mẫu xe A01 nhằm thăm dò thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Zhidou A01 có kích thước nhỏ hơn Kia Morning. Cụ thể, xe có chiều dài tổng thể chỉ 2.500 mm, rộng 1.202 mm, cao 1.625 mm và chiều dài cơ sở 1.030 mm. Đáng chú ý là theo tiết lộ của đơn vị trưng bày, giá của mẫu xe điện mini này chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, tức là thậm chí thấp hơn mẫu xe tay ga Honda SH.
Mới đây, một "đại gia" ô tô điện Trung Quốc khác là BYD cũng đã xác nhận kế hoạch xây dựng nhà máy để lắp ráp xe điện ngay tại Việt Nam. Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến hiện đang giữ vai trò là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc. Thống kê cho thấy, trong tháng 4/2023 vừa qua, BYD đã bán được 210.295 xe điện, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết doanh số bán hàng của BYD đến từ thị trường Trung Quốc. Dù vậy, hãng xe này cũng đã mở rộng ra các thị trường khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh. Xuất khẩu chiếm khoảng 6% doanh số bán xe điện BYD.
Ngay ở trong nước. Tại đại hội cổ đông Vingroup mới đây, Chủ tịch tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cũng đã hé lộ về kế hoạch sản xuất một mẫu xe điện mini nhằm lấp đầy toàn bộ dải sản phẩm của hãng.
Ngoài yếu tố then chốt là xe thuần điện thì các dòng ô tô này có kích thước nhỏ hơn cả các mẫu xe đô thị cỡ A sử dụng động cơ đốt trong hiện thời như Hyundai Grand i10 và Kia Morning.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ các hãng ô tô đang "nhăm nhe" nhảy vào là bởi phân khúc này vẫn hoàn toàn mới mẻ, chưa kề có bất kỳ sự cạnh tranh nào. Các mẫu xe cũng có kích thước rất nhỏ, đặc biệt phù hợp với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM vốn có đặc thù "ngõ nhỏ, phố nhỏ".
Bên cạnh đó, yếu tố giá cũng sẽ có ít nhiều vai trò quyết định. Với số tiền chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua thêm một chiếc ô tô điện mini để đi chợ, đi làm hằng ngày mà vẫn tiện dụng, đủ để mưa không tới mặt nắng không tới đầu.
Những rào cản cần được dỡ bỏ
Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích phát triển các loại phương tiện giao thông chạy bằng pin, cụ thể là xe thuần điện, thông qua chính sách thuế. Cụ thể, kể từ ngày 1/3/2022, các loại ô tô chạy bằng pin đã được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP. Chính sách ưu đãi sẽ được áp dụng trong vòng 3 năm cho đết hết tháng 2/2025.
Như vậy, ngoài các lợi thế về giá và kích thước phù hợp, ô tô điện mini còn được hưởng lợi từ chính sách miễn lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, con đường phía trước của loại hình phương tiện này vẫn còn những rào cản không dễ để vượt qua.
Hạ tầng sạc vẫn là một trở ngại không hề nhỏ với ô tô điện, kể cả các phân khúc xe lớn hơn như VinFast VF e34, VF 5 Plus, VF 8 hay xe sang như Audi e-tron, Mercedes EQS hay Porsche Taycan.
Trên thực tế là đến nay mới chỉ có VinFast đã và vẫn đang tiếp tục xây dựng hệ thống trạm sạc trên khắp cả nước nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng của mình. Các hãng xe sang cũng chỉ lắp đặt trạm sạc tại hệ thống đại lý phân phối.
Với các dòng xe điện phổ thông và giá rẻ, trạm sạc là một trở ngại lớn. Lý do là đa số người tiêu dùng sử dụng loại hình xe này đều ở chung cư hoặc nhà mặt đất diện tích nhỏ, rất khó khăn cho hoạt động sạc pin. Vì vậy, hầu hết đều vẫn phải phụ thuộc vào các trạm sạc công cộng. Tuy nhiên, việc chia sẻ hạ tầng sạc là rất khó xảy ra. Ngay với VinFast, hãng xe này mới đây cũng khẳng định sẽ không chia sẻ hạ tầng trạm sạc với các thương hiệu khác, ít nhất là trong khoảng 10 năm tới.
Với các loại xe điện cỡ nhỏ và giá rẻ, việc tăng mạnh số lượng xe lưu hành cũng sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là trong tình trạng thiếu điện trầm trọng. Chưa kế đến tình huống đại đa số người dùng ô tô điện mini đều sử dụng nguồn sạc dân dụng tại nhà, một lợi thế vốn có của hầu hết các loại xe điện Trung Quốc, thì ngay trong trường hợp các hãng xe xây dựng hệ thống trạm sạc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống điện.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi xe điện đi vào hoạt động với việc xây dựng hạ tầng trạm sạc cũng ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống điện tại Việt Nam. Nguyên nhân này làm tăng trưởng phụ tải. Xét trường hợp phát triển trạm sạc của 40.000 trụ sạc của hãng xe VinFast, nếu tính công suất tối thiểu trụ sạc 11kW thì 40.000 trụ sạc đồng nghĩa với khoảng 440MW công suất trạm sạc sẽ đấu nối thêm vào hệ thống. Thậm chí có thể lên tới hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc có công suất lớn hơn (đây là số tạm tính).
Một rào cản lớn nữa là thương hiệu và an toàn. Anh Hoàng Tuấn (Hà Đông, Hà Nội), một trong những người dùng xe điện sớm nhất ngay khi VinFast ra mắt mẫu xe VF e34, cho rằng ngay cả với VinFast, cho dù anh hiểu rõ thương hiệu mẹ Vingroup thế nào song những gợn gặn vẫn là khó tránh khỏi. Theo anh Tuấn, dù sao thì VinFast vẫn là một thương hiệu mới và mọi chuyện còn ở phía trước. Do đó, khi anh mua chiếc VinFast VF e34, lý do quan trọng chỉ là muốn trải nghiệm xe thuần điện và một phần muốn ủng hộ thương hiệu ô tô Việt.
Đối với các loại ô tô điện Trung Quốc mà mở đường là Wuling HongGuang MiniEV do TMT Motors lắp ráp, rào cản tâm lý vẫn còn rất lớn. Bài học thất bại của các thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn là rất rõ nét. Dù tất cả đều sở hữu mức giá bán thấp, xe có mẫu mã dễ chấp nhận song cuối cùng, từ Lifan, Chery, BAIC, Beijng, Haima… đều không gặt hái được thành công dù tham vọng ban đầu là rất lớn. Rất nhiều thương hiệu đã lặng lẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.
Rõ ràng, rào cản tâm lý về các thương hiệu ô tô Trung Quốc dù vô hình song vẫn luôn cản trở con đường thành công, bất chấp bản thân các nhà phân phối cam kết về chất lượng hay bảo hành thế nào.
Đối với xe điện mini giá rẻ, rảo cản tâm lý càng lớn hơn khi người tiêu dùng chưa đủ thời gian, trải nghiệm hay cả những thông tin cần thiết để có thể yên tâm. Bên cạnh đó, các yếu tố về an toàn hay dịch vụ sau bán hàng cũng là những nghi ngại.
"Cho dù giá rẻ đến đâu thì việc sẵn sàng đánh đổi sức khỏe, tính mạng hay đơn giản là những phiền phức trong quá trình sử dụng vẫn là một bài toán khó giải với phần đông người tiêu dùng. Nhà tôi hiện đã có 3 chiếc ô tô nên tôi có thể bỏ ra 200 – 300 triệu đồng để thử trải nghiệm một chiếc xe điện mini Trung Quốc. Nhưng với nhiều người khác, đặc biệt là những người mua xe lần đầu, thì dường như quyết định mua một chiếc xe điện Trung Quốc ngay khi ra mắt là một sự liều lĩnh", anh Long Nguyễn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.