Cơ hội cho hàng hóa Việt ra thế giới từ thị trường Nhật Bản
09:51 - 28/11/2022
“Nhật Bản có quy định và tiêu chuẩn nhập khẩu rất khắt khe. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nhật Bản, hàng hóa Việt Nam không chỉ thâm nhập được vào thị trường khó tính này mà còn có thể thâm nhập vào hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
Nói cách khác, nếu vào được thị trường Nhật Bản, đây chính là “tấm thẻ thông hành” cho hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác trên thế giới.”
Đây là nhận định của ông Tạ Đức Minh, Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn.
Theo ông Tạ Đức Minh, những năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nỗ lực kết nối nhu cầu xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp cả hai nước thông qua nhiều hình thức; tìm kiếm, lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra để giới thiệu cho đối tác Nhật Bản.
Thương vụ cũng thường xuyên làm việc và trao đổi với các đầu mối chuyên nhập khẩu nông sản, hoa quả và thực phẩm Việt Nam ở Nhật Bản để cập nhật về kế hoạch nhập khẩu và tình hình thực tế thị trường, đồng thời tìm hiểu thông tin về các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản nông sản và hoa quả tươi, góp phần nâng cao giá trị và giá bán của sản phẩm.
[Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa vào Nhật Bản]
Trong đại dịch COVID-19, thương vụ đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng hai nước tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đăng ký gian hàng tại nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế, trong đó nổi bật có Triển lãm Thực phẩm và đồ uống quốc tế (Foodex Japan), từ đó kết nối thành công nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu ở Nhật Bản.
Thông qua sự kết nối của thương vụ, một số sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam như nước dừa, sữa dừa mang nhãn hiệu Vietcoco hay cà phê, đậu phộng của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản; các sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm của Việt Nam ngày càng xuất hiện phổ biến trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote hay Itoyokado với chủng loại khá đa dạng.
Thương vụ cũng có những hoạt động quảng bá giới thiệu nông sản hoa quả Việt tại các siêu thị lớn như Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON hay trong Lễ hội Việt Nam tại Tokyo.
Đặc biệt, tại Lễ hội Việt Nam diễn ra vào tháng 6/2022, thương vụ lần đầu tiên phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Toàn cầu và Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam giới thiệu quả vải thiều tươi với người tiêu dùng Nhật Bản.
Với mục tiêu khuyến khích người Việt tại Nhật Bản dùng hàng Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng người Việt tại thị trường này, thương vụ đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời phối hợp giúp kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống các khu trung tâm thương mại của thành viên Hiệp hội chuyên về hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Đánh giá những thuận lợi trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có cơ cấu hàng hóa xuất-nhập khẩu không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau.
Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản, trong khi Nhật Bản có nhu cầu lớn đối với mặt hàng nông-lâm-thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may và da giày của Việt Nam.
Với dân số hơn 125 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm nhập khẩu, như cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê… Đây đều là những mặt hàng Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc hai nước cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với nhiều cam kết ưu đãi cắt giảm thuế quan ở mức sâu, đã tạo ra nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại.
Trong khuôn khổ CPTPP và RCEP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu đáng kỳ vọng của Việt Nam do những lợi thế về khoảng cách khiến chi phí logistics thấp, giao thông vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn so với thị trường EU hay Mỹ.
Khi CPTPP và RCEP có hiệu lực, việc xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đã trở nên thuận lợi hơn do tận dụng được quy tắc xuất xứ của các FTA này. RCEP tích hợp các FTA ASEAN+ nên khi đi vào thực thi cho phép các doanh nghiệp áp dụng thống nhất một bộ quy tắc xuất xứ và một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ. Đây là bước tiến rất lớn trong việc đơn giản hóa thủ tục trong xuất khẩu.
Xu thế phát triển ngành nông nghiệp hiện nay của Việt Nam là đẩy mạnh chế biến nông sản và gia tăng giá trị cho hàng nông sản thay vì xuất khẩu dạng thô. Xu thế này đặc biệt phù hợp với các FTA càng ngày càng mở rộng quy mô thị trường do nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa không chỉ dựa trên nơi được trồng trọt/chăn nuôi mà cả nơi chế biến/sản xuất tiếp theo.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng được những lợi thế do CPTPP và RCEP mang lại cần lưu ý đến quy tắc xuất xứ của hàng hóa nhằm lựa chọn đối tác có lợi, như nhập nguyên liệu từ đâu sẽ có lợi thế được cộng gộp xuất xứ, từ đó tăng khả năng tận dụng xuất xứ ưu đãi để hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Tạ Đức Minh cho biết thị trường Nhật Bản là thị trường nổi tiếng khó tính với nhiều tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe. Vì vậy, để đảm bảo hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có thể thâm nhập thành công và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, điều quan trọng trước tiên là cần chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu, bán hàng tại Nhật Bản, các cơ quan quản lý liên quan cần chung tay phối hợp trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam là những hàng hóa có chất lượng cao, có sức cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản.
Thời gian tới, thương vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt Nam tại nước này để hưởng ứng các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024.”
Đặc biệt, thương vụ sẽ tập trung vào những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và Nhật Bản có nhu cầu cao như hàng dệt may, nông lâm thủy sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ…
Thương vụ cũng sẽ củng cố và mở rộng hơn nữa thị trường cho một số mặt hàng đã có chỗ đứng nhất định tại Nhật Bản như chuối, thanh long, cà phê, ca cao, hạt điều, gia vị, thực phẩm chế biến…., đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có tiềm năng của Việt Nam như dệt may, da giày hay cơ khí chế tạo, thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương để tìm kiếm được những đối tác phù hợp, những cơ hội tốt để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản./.