Chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: Tư pháp; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nội vụ; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân tham mưu, soạn thảo văn bản có quy định trái pháp luật, đã được đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Khắc phục tình trạng ban hành văn bản có quy định trái pháp luật
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt vấn đề, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước và giám định tư pháp tuy được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chế độ bồi dưỡng, chính sách đối với người giám định tư pháp còn thấp và lạc hậu, chưa được tháo gỡ và còn 2/13 bộ, ngành chưa ban hành quy trình giám định dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc chậm đưa ra xử lý, có nguyên nhân từ công tác giám định tư pháp. Đại biểu chất vấn người đứng đầu Bộ Tư pháp về giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề trên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện nay, vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã sơ kết, tổng kết, đánh giá và dự kiến sẽ trình một văn bản mới.
Trong quá trình đó, chúng ta phải thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lương hóa tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù nên việc này bị chậm lại. Pháp lệnh về chi phí tố tụng cũng có một số quy định chưa rõ về cách thức để chi và xử lý các nguồn chi, hoạt động chi.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần về giám định tư pháp. Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.
Trước chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) về giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng ban hành văn bản có quy định trái pháp luật, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân nhưng việc xem xét, xử lý trách nhiệm chủ yếu dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành. Bộ Tư pháp ngoài kiểm tra văn bản do Bộ ban hành, còn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đề xuất biện pháp xử lý. Việc kiểm tra này chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành và tính hợp pháp, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
“Công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thực hiện chưa tốt lắm. Năm 2023, trừ Bộ Tư pháp, chỉ có 4 bộ phát hiện có khoảng 20 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc trái pháp luật với các tiêu chí khác nhau,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Theo ông, nguyên nhân do các bộ, cơ quan chưa chủ động thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát còn mức độ. Chính phủ ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thiết kế cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi liên quan đến thực hiện chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác ban hành văn bản, tự kiểm tra và có dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức để có chế tài xử lý phù hợp.
Về giải pháp, ông cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và làm việc trực tiếp với các cơ quan. Điểm rất quan trọng là phải thực hiện tốt Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Có nể nang trong thi hành bản án hành chính
Chất vấn người đứng đầu ngành Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu thực tế, từ đầu năm đến ngày 5/5/2024 đã ban hành 37/49 văn bản thuộc nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, còn nợ 12 văn bản, chiếm 25%. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương, khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng về giải pháp cụ thể, quyết liệt, căn cơ và hiệu quả để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ ngày 1/10/2023 đến nay, Chính phủ, các bộ phải xây dựng, ban hành 261 văn bản quy định chi tiết; trong đó 128 văn bản được ban hành quy định các luật đã có hiệu lực và 133 văn bản quy định các luật sắp tới sẽ có hiệu lực. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đã ban hành được 106, còn nợ 22.
Năm 2024, số lượng văn bản nợ chỉ chiếm trên 17% so với cùng kỳ năm 2023 là trên 24%. Trong số văn bản đã ban hành, có tới 58 văn bản ban hành cùng lúc với luật, pháp lệnh có hiệu lực. Cụ thể là chùm các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, tình hình chậm ban hành văn bản vẫn còn. Nguyên nhân do số lượng nhiều, có những văn bản nội dung khó, bàn đi, bàn lại đến nay chưa có giải pháp như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động, thương lượng tập thể, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng...
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua Chính phủ đã sửa gấp một số điều của Nghị định 34 quy định chi tiết ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đơn giản hóa một số yêu cầu liên quan đến đánh giá tác động, nới bớt các yêu cầu liên quan đến rút gọn và tăng cường công tác kiểm tra... Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn, đôn đốc thực hiện tốt hơn quy trình các cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tăng cường kiểm tra, đi làm việc trực tiếp để đôn đốc các bộ, ngành tích cực hơn trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong quá trình soạn thảo luật, cố gắng đếm đầy đủ và lượng được những khó khăn, thách thức trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết để có hướng xử lý.
Về nội dung tỷ lệ chưa thi hành án hành chính hiện nay còn cao được đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay, năm 2024 số lượng tuyệt đối có tăng. Tính tích tụ từ trước đến nay có trên 1.700 bản án hành chính mà Chính phủ và Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi.
10 tháng năm 2024 (kỳ báo cáo tính từ tháng 10/2024 - PV), đã thi hành xong 667/1.700 bản án, tăng 244 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương tồn đọng từ trước tới nay chưa xử lý được là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Kiên Giang và Hà Nội.
“Rõ ràng chúng ta chưa có thái độ đúng đối với việc tham gia tố tụng các vụ việc tố tụng hành chính nói chung và thi hành bản án hành chính. Có nể nang giữa các cơ quan trong các tỉnh và các đơn vị hành chính,” Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng đề cập đến các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổng kết, đánh giá và đề xuất những giải pháp mới khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính.
Tại buổi chất vấn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật qua các vụ án tham nhũng kinh tế, kết luận của các vụ việc có vi phạm do cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra công bố, tuy nhiên mức độ của lợi ích nhóm đến đâu thì cần có căn cứ để khẳng định.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong số các quy định Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua liên quan đến các lĩnh vực khác nhau: kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật... thì Quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực xây dựng pháp luật là khó hơn cả.
Xuất phát từ đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, đây là một công trình tập thể, kinh qua các giai đoạn khác nhau. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nhận diện rõ những dấu hiệu của lợi ích nhóm trong công tác này. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục hiện thực hóa vấn đề này trong sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sắp tới./.