Chuyện về 'Ngân hàng máu sống' trên Biển Đông
08:21 - 26/05/2023
Căn phòng bệnh trên tầng hai tĩnh mịch, có bốn chiếc giường bệnh thì 3 chiếc giường trống không, 1 chiếc giường anh ngư dân tên Hải nằm. Xung quanh anh là chiếc máy đo các chỉ số sinh tồn, bình ôxy, cây sắt treo chai dịch truyền nham nhở rỉ sắt do gió biển lâu ngày. Những lúc thanh vắng như này, thi thoảng là tiếng bíp bíp của chiếc máy đo nhịp tim và các chỉ số, Hải chỉ có thể nằm bất động nhìn từng giọt, t
Căn phòng bệnh trên tầng hai tĩnh mịch, có bốn chiếc giường bệnh thì 3 chiếc giường trống không, 1 chiếc giường anh ngư dân tên Hải nằm. Xung quanh anh là chiếc máy đo các chỉ số sinh tồn, bình ôxy, cây sắt treo chai dịch truyền nham nhở rỉ sắt do gió biển lâu ngày. Những lúc thanh vắng như này, thi thoảng là tiếng bíp bíp của chiếc máy đo nhịp tim và các chỉ số, Hải chỉ có thể nằm bất động nhìn từng giọt, từng giọt trong chai nước truyền chảy tí tách vào cơ thể mình.
Với một thuyền trưởng tàu cá như Hải, hàng ngày tung hoành giữa biển khơi khi ngư trường chính là khu vực quần đảo Trường Sa chỉ có biển và trời, vậy mà đây là ngày thứ ba anh phải nằm im bất động một chỗ… Có lẽ, chưa bao giờ Hải cảm thấy cuộc sống trở nên chậm rãi như bây giờ.
Trên chiếc giường bệnh, trong tình cảnh này, đôi tai Hải như một kênh giao tiếp nhạy nhất. Văng vẳng bên tai là từng hồi kèn, lời Quốc ca thấm đẫm sự hào sảng: “…Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền.…”
Lắng nghe thanh âm
14 giờ ngày 21/4/2023, trên đảo Trường Sa lớn là một không khí trang nghiêm, lặng im phăng phắc. Giữa trùng khơi, nghi lễ chào cờ với tiếng nhạc và lời hát Quốc ca vang lên như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa.
Tại Quảng trường đảo Trường Sa lớn, trong cái nắng gay gắt chói chang, 222 thành viên của Đoàn công tác số 4, trong đó có 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới, những người con từ khắp 5 châu của Tổ quốc hiên ngang đứng giữa đường băng sân bay, đưa cánh tay lên ngực trái, ánh mắt dõi theo lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió hát vang lời hát Quốc ca. Khoác trên người sắc đỏ của những chiếc áo cờ đỏ sao vàng, đầy tự hào, họ đặt tay lên trái tim mình như thắp lên ngọn lửa về nguồn cội, sâu thẳm nơi con tim là niềm tự hào về tình yêu đất nước, về đảo Trường Sa…
Lễ chào cờ và diễu hành diễn ra tại quảng trường đảo Trường Sa. (Ảnh: Hồng Sơn - Thùy Giang/Vietnam+)
Từng lời bài Quốc ca vang lên hùng tráng và thấm vào trong tim của từng đại biểu trong đoàn công tác số 4 và các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và Kiều bào trên đảo Trường Sa. Tiếp theo đó vang lên 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên giữa biển trời của Tổ quốc.
Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của người quân nhân trước Đảng, trước nhân dân, trước lá cờ Tổ quốc. Mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay trên bầu trời của tự do ở đảo Trường Sa.
Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của người quân nhân trước Đảng, trước nhân dân, trước lá cờ Tổ quốc. Mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay trên bầu trời của tự do.
Cách đó vài trăm mét, trong buồng bệnh ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, ngư dân Đỗ Văn Hải, sinh năm 1980 ở đảo Phú Qúy, Bình Thuận một mình một phòng bệnh, nằm bất động. Anh bồi hồi lắng nghe, lắng nghe những âm thanh từ buổi lễ trang nghiêm bên ngoài vọng vào.
Chân trái của Hải được cột chặt cố định với những chiếc nẹp, dây băng lại… cánh tay phải cũng được băng bó cố định. Đây là ngày thứ ba, Hải nằm điều trị tại trung tâm, cơn nguy kịch đã qua sau khi được các bác sỹ tại Trung tâm tiến hành cấp cứu. Có lẽ, đã lâu, rất lâu rồi Hải mới có thời gian hay sống trong không khí trang nghiêm và linh thiêng đến vậy, đặc biệt hơn nữa lại diễn ra trên đảo Trường Sa lớn.
Video Trung úy Hoàng Văn Kiên đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân.
Anh là lao động chính trong gia đình để nuôi bố mẹ già, vợ và hai con nhỏ. Hơn 20 năm theo nghề đi biển đánh bắt hải sản trên các tàu cá, có lẽ đây là lần đầu tiên mà anh cảm thấy mình trong tình trạng phải nằm nghỉ dưỡng lâu nhất. Chưa bao giờ Hải cảm thấy mình tai mình lắng nghe chầm chậm những âm thanh, tiếng nhạc hào hùng từ cuộc sống như bây giờ. Và đây có lẽ cũng là thời điểm mà lâu lâu rất lâu rồi Hải mới cảm nhận được một không khí thiêng liêng trọn vẹn của một buổi lễ chào cờ trang nghiêm kèm theo những lời thề, những tiếng nhạc duyệt binh hùng dũng.
Có lẽ, đã lâu, rất lâu rồi Hải mới có thời gian hay sống trong không khí trang nghiêm và linh thiêng đến vậy, đặc biệt hơn nữa lại diễn ra trên đảo Trường Sa lớn.
Khi màn chào chờ và duyệt binh hết, cũng là lúc Hải thổn thức, chờ đợi để vài tiếng nữa thôi, anh sẽ được chuyển lên Tàu 571 theo đoàn công tác về đất liền điều trị tiếp.
Hải kể: “Bình thường trên tàu là ngắm biển trời, đánh bắt hải sản, tai liên tục nghe bộ đàm… nghe định hướng thông tin, nay nằm ở bệnh viện trên đảo, được lắng nghe quốc ca, 10 lời thề của chiến sỹ hải quân mà mình thấy xao xuyến, thấy lắng đọng, xúc động nghẹn ngào… Dù đang bệnh tật, mà tinh thần cũng thấy phấn chấn, thấy tự hào với những giai điệu hào hùng của Tổ quốc.”
Khẽ xoay đầu, ngư dân Đỗ Văn Hải nhớ lại, ngày 16/4, tàu cá mang số hiệu BTh 99197 TS của anh có 4 thuyền viên đang ra khơi ngày thứ 13 thì bị hỏng.
“Khi khởi động, tôi thấy tàu cá bị chết máy không hoạt động được nữa. Chúng tôi đành neo đậu ở ngoài biển khơi vài ngày chờ một tàu khác trong đoàn ngày lai dắt về. Tàu đã ra khơi được 13 ngày, thường đến ngày 15 chúng tôi sẽ về đất liền. Đợt này tàu đi đánh bắt hải sản chủ yếu là hải sâm và bào ngư nhưng trúng ít, không như các đợt trước thu hoạch được rất nhiều hải sâm và bào ngư.”
Hải cho hay, một chuyến đi biển đánh bắt hải sản ở Trường Sa thường kéo dài 15 ngày.
Các y bác sỹ tại Bệnh xá đảo Trường Sa cứu chữa, điều trị cho ngư dân Hải. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
“Vào khoảng 10 giờ 30 trưa ngày 18/4, khi lai dắt tàu để tàu khác kéo, tôi có ném dây, bên kia bắt rồi, đang cầm dây cản căng qua đứt và đập vào mình, sau đó tôi ngã vào tàu và bất tỉnh. Các anh em trên tàu lập tức đưa vào đảo Đá Lát để sơ cứu quân y ở đó. Nhân viên y tế tại đảo Đá Lát băng bó cấp cứu tạm thời xong đưa sang đảo Trường Sa. Từ chỗ bị tai nạn đến đảo Trường Sa khoảng 30km,” ngư dân Hải nhớ lại.
Trong buồng bệnh, điều dưỡng Nguyễn Bá Thành đi đi lại lại, cẩn thận dõi theo và điều chỉnh chai truyền thuốc vào tay của bệnh nhân Hải, chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Thành cho hay, bệnh nhân Hải khi tới Trung tâm cấp cứu vào lúc 17h30 ngày 18/4. Khi nghe tin có bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến, toàn bộ lực lượng y tế của Trung tâm gồm 9 người đều được huy động ra âu tàu để đón bệnh nhân cấp cứu vào.
Bảng phân công lịch trực tại Bệnh xá đảo Trường Sa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Bệnh nhân Hải nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm, vết thương da đầu và trên 2 tay. Tai nạn khiến ngư dân Hải dập phần mềm trên đầu, cánh tay, chân, tụ máu đùi, gối trái, tổn thương thần kinh-gẫy xương cánh tay phải. Đặc biệt tay phải của bệnh nhân nhợt nhạt, lạnh, không bắt được mạch quay, không đo được chỉ số SpO2.
Qua thăm khám, chụp X-quang các y bác sỹ đảo Trường Sa chẩn đoán bệnh nhân bị gãy 1/3 trên xương cánh tay phải, tổn thương động mạch, thần kinh cánh tay phải; gãy kín xương đốt 1 ngón 5 bàn tay phải; đụng dập phần mềm, tụ máu 1/3 đùi, gối trái, gẫy xương mác chân trái.
Thoát cơn hiểm nghèo
Bác sỹ Lã Văn Tuấn - Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm quân y Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (là bác sỹ Khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện 175, ra đảo từ tháng tháng 7/2022) cho hay bệnh nhân Hải được tiên lượng trong tình trạng nặng, nguy cơ phải cắt bỏ cánh tay phải do tổn thương mạch máu thần kinh, nguy cơ mất máu cao. Các bác sỹ của bệnh xá đã hội chẩn với các chuyên gia chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện 175 để có phương án điều trị tích cực nhất, bằng cách truyền máu trực tiếp, tiểu phẫu kịp thời để cứu sống bệnh nhân và giữ lại cánh tay.
Trước tình thế nguy nan trên, Bệnh xá Trường Sa đã báo cáo với Chỉ huy đảo Trường Sa để huy động lực lượng chiến sỹ trên đảo tiến hành hiến máu gấp cứu sống cho bệnh nhân. Do bệnh nhân thuộc máu hiếm B+, ngay sau khi thông tin đưa ra, có hai chiến sỹ trên đảo đã hiến máu ngay trong đêm để cung cấp “ngân hàng máu sống” cho bệnh nhân Hải.
Khi trời sâm sẩm tối 20/4, trong không gian tĩnh mịch, Đại úy Vũ Văn Trường và Thiếu tá Nguyễn Tiến An ngay lập tức chạy gấp tới bệnh xá để hiến máu. Hai chiến sỹ có cùng nhóm máu hiếm – nhóm máu B+ đã hiến 2 đơn vị máu- hồng cầu (350ml mỗi người) cho bệnh nhân Hải.
Đại úy Vũ Văn Trường - người hiến máu cho bệnh nhân Hải vào 23 giờ ngày 19/4, kể lại: “Tôi không nghĩ gì nhiều, thấy bệnh nhân thiếu máu thì mình tham gia hiến máu trước tiên để cứu sống cho bệnh nhân, đó đơn giản chỉ là tình đồng bào, tình quân dân gắn kết của anh bộ đội cụ Hồ. Thứ hai là văn hóa con người Việt Nam với tinh thần tương thân tương ái, khi gặp người gân gặp nạn sẽ cứu giúp. Góp một chút phần cùng với lực lượng quân y của bệnh viện 175 để cứu sống bệnh nhân khi họ gặp tai nạn phải cấp cứu. Ra đây chúng tôi làm nhiệm vụ hỗ trợ cho ngư dân ra khơi, vươn khơi bám biển, vậy nên bất kỳ thời điểm nào có yêu cầu bộ đội hải quân luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ.”
Sau khi được các y bác sỹ tại bệnh xá cấp cứu và các chiến sỹ trên đảo truyền máu, sức khỏe của ngư dân Hải đã ổn định hơn, tay phải bắt đầu có dấu hiệu lưu thông máu và giảm bớt nguy cơ phải cắt bỏ cánh tay. Bệnh nhân đã ổn hơn và đủ điều kiện để vận chuyển đưa vào bờ tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Xúc động khi được chuyển vào đất liền cùng chuyến đi của đoàn công tác, bệnh nhân Hải cho hay: “Các chiến sỹ quân y ngày đêm túc trực điều trị cho tôi, thăm khám, động viên tôi, tôi rất cảm động và cảm ơn các chiến sỹ rất nhiều.”
16 giờ chiều 21/4, khi bệnh nhân Hải đã ổn định, nhưng bên dưới tầng 1 trở nên ồn ào hơn khi vào 15 giờ 30 phút tại - phòng cấp cứu của Trung tâm y tế Trường Sa, ông Phạm Tất Tuyên 65 tuổi là Việt kiều tại Belarus đưa vợ là bà Phạm Alla Pavlovna, 54 tuổi trong tình trạng huyết áp cao, huyết áp không ổn định, mạch tim nhanh vào phòng cấp cứu.
Các y bác sỹ tại Bệnh xá đảo Trường Sa và bác sỹ quân y trên Tàu 571 thăm khám, điều trị cho bà Phạm Alla Pavlovna. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Bác sỹ Lã Văn Tuấn - Bệnh xá trưởng tiếp nhận bệnh nhân Phạm Alla Pavlovna trong tình trạng mệt mỏi, các bác sỹ đã đo huyết áp, thăm khám cho bệnh nhân và dùng thuốc. Qua 3 giờ theo dõi tại phòng cấp cứu, bệnh nhân Phạm Alla Pavlovna sức khỏe đã ổn định trở lại, huyết áp và nhịp tim đã cải thiện, dần trở lại bình thường và có thể lên tàu tiếp tục hải trình Trường Sa với sự theo dõi y tế tiếp theo của lực lượng quân y trên Tàu 571.
Điểm tựa cho bà con ngư dân
Ở quần đảo Trường Sa, nơi biển khơi muôn trùng sóng gió, từ nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sỹ luôn là chỗ dựa tin cậy của người dân và cán bộ, chiến sỹ tại các đảo.
Ở quần đảo Trường Sa, nơi biển khơi muôn trùng sóng gió, từ nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sỹ luôn là chỗ dựa tin cậy của người dân và cán bộ, chiến sỹ tại các đảo.
Đại úy, Thạc sỹ Lã Văn Tuấn - Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm Quân y đảo Trường Sa cho hay các phẫu thuật được thực hiện tại trung tâm như phẫu thuật ruột thừa, cấp cứu, các trường hợp chấn thương nặng như chấn thương bàn tay, vết thương bụng, chấn thương ngực và một số trường hợp chấn thương sọ não bệnh xá đảo Trường Sa đảm bảo tốt công tác khám và cấp cứu, điều trị để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Trung tâm Trung tâm y tế Trường Sa hiện có 4 tầng và sân thượng cùng 10 giường với đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám ngoại, phòng khám nội, phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật, phòng sinh, phòng chụp X Quang, phòng xét nghiệm... Để đảm bảo phục vụ cho những cư dân vùng biển, đảm chức năng của một bệnh viện như trong đất liền. Trung tâm còn tiếp nhận bệnh nhân từ các xã đảo khác đến chữa trị. Với những trường hợp nặng có đủ trang thiết bị trên đảo, các y, bác sỹ sẽ trực tiếp điều trị, còn với các trường hợp quá khả năng của trung tâm thì sẽ được đưa vào bờ chữa trị qua đường hàng không của Bệnh viện 175.
Video Quá trình cấp cứu, điều trị và đưa ngư dân gặp nạn vào đất liền.
Trên khu vực Biển Đông, hệ thống y tế ngày càng hiện đại trên biển đảo sẽ giúp các cán bộ, chiến sỹ thêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Trường Sa cho hay hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân nơi biển đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại quần đảo Trường Sa. Được khánh thành từ năm 2017, đến nay, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã trở thành điểm tựa cho bà con ngư dân đang ngày đêm lao động sản xuất trên ngư trường phên dậu Tổ quốc phía biển khơi.
“Thời gian qua chúng tôi cấp cứu nhiều ca thành công với đầy đủ cơ sở vật chất từ trung tâm y tế để cho bà con ngư dân bám biển. Đây cũng là cơ sở, là cột mốc sống chủ quyền của chúng ta trên vùng Biển Đông cũng như khu vực quần đảo Trường Sa. Trung tâm y tế đảo Trường Sa làm tốt công tác, chăm sóc sức khỏe, khám điều trị cấp cứu ngư dân. Tỷ lệ quân số khỏe 99,8%,” Thượng tá Phạm Thế Nhương cho hay.
Năm 2022 Trung tâm y tế đảo Trường Sa đã khám và điều trị cho gần 1.400 lượt người (quân 378 lượt, ngư dân 1.018 lượt), cấp cứu 33 ca (quân 13 ca, ngư dân 20 ca). Trong quý 1 năm 2023: Khám và cấp cứu điều trị cho 477 lượt người, cấp cứu 13 ca (quân 7 ca, ngư dân 6 ca), trong đó đề nghị chuyển cấp cứu bằng máy bay về đất liền điều trị 3 trường hợp.
Thăm ngư dân Hải khi đang điều trị tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khẳng định: “Bệnh nhân yên tâm, lực lượng hải quân sẽ đảm bảo mọi khâu và chăm sóc đưa bệnh nhân vào đất liền an toàn, đến bệnh viện điều trị theo phác đồ điều trị tốt trong đất liền để bệnh nhân khoẻ trở lại, tiếp tục ra khơi bám biển.”
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng cho hay trên đảo các chiến sỹ là lực lượng nòng cốt để đảm bảo an ninh, quốc phòng của biển đảo nhưng cũng là điểm tựa để bà con ngư dân làm ăn kinh tế trên biển. Các chiến sỹ đã phát huy tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, truyền máu cứu sống cho người bệnh là ngư dân trong những tình huống khẩn cấp, cần thiết.
Đưa ngư dân từ Tàu 571 vào đất liền. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
“Trong tình hình hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa của tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp... Đó phải là sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển của cả những ngư dân đang hàng ngày ra khơi đánh bắt cá trên biển. Bởi, trên biển Đông sự xuất hiện của bà con ngư dân chính là những “bia chủ quyền sống” của đất nước, đó là những tấm lòng, trái tim của những con người dũng cảm, ngày đêm bám biển lao động sản xuất,” Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Phạm Văn Hùng nhấn mạnh.
Những trái tim yêu thương
19 giờ 30 phút ngày 21/4, ngư dân Hải được vận chuyển bằng chiếc cáng lên Tàu 571 trong hành trình cùng đoàn công tác để về đất liền chữa trị. Trên tàu, bệnh nhân được sự chăm sóc của các y bác sỹ quân y Tàu 571. Suốt 2 ngày trên tàu, ngư dân Hải được các bác sỹ chăm sóc, theo dõi các chỉ số sinh tồn đáp ứng.
Các đoàn công tác và thành viên trao quà cho bệnh nhân và các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Với những thành viên của Đoàn công tác số 4 ra Trường Sa, cả chuyến hành trình như là một cảm xúc thật khó tả. Khi trên tàu mọi người biết có bệnh nhân là ngư dân gặp nạn trên biển được Tàu 571 đưa vào đất liền, các thành viên trong đoàn với tinh thần tương thân tương ái của người Việt, cả kiều bào thường xuyên tới phòng y tế để thăm hỏi, chia sẻ, động viên ngư dân Hải. Trên chuyến tàu, mọi người đã cùng quyên góp ủng hộ, hỗ trợ cho anh Hải - ngư dân gặp nạn hơn 40 triệu đồng.
Những món quà tuy không quá lớn, nhưng đó là tình cảm quân dân, tình đồng bào của người Việt, bất kể là người trong nước hay kiều bào, họ cùng chung một chí hướng, một con tim hướng về biển đảo, giúp đỡ những người ngư dân kiên cường không ngại khó, ngại khổ vươn khơi bám biển.
Chia tay với Trường Sa, với Tàu 571 với gương mặt rạng ngời, bà Phạm Alla Pavlovna không khỏi bồi hồi xúc động, liên tục cảm ơn các chiến sỹ quân y tại Trung tâm Y tế Trường Sa và lực lượng quân y Tàu 571 đã giúp bà cấp cứu, dùng thuốc kịp thời để bà có được sức khoẻ tốt trong suốt hải trình ra thăm đảo Trường Sa an toàn, giúp bà mạnh khỏe để vừa ngắm biển đảo Việt Nam, vừa về đất liền an toàn.
14 giờ 30 phút ngày 23/4, ngư dân Hải đã được lực lượng quân y và các chiến sỹ của Tàu 571 đảm bảo an toàn về tới đất liền và bàn giao tới cơ sở điều trị trong đất liền. Đến nay, ngư dân Hải đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 và đã qua một lần phẫu thuật bảo tồn giữ lại được cánh tay thành công.
Ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân sinh sống, làm việc giữa khơi xa. Sức sống Trường Sa hôm nay cũng chính là sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Quả thực, giữa muôn trùng con sóng biếc, biển trời xanh thẳm ngút ngàn, với vị trí địa lý xa đất liền, mỗi người lính quân y sẽ là điểm tựa của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa để cứu chữa những người gặp nạn trên biển bất cứ lúc nào. Hòa trong đó là tình quân dân, tình thương của người Việt không chỉ trong nước mà người Việt khắp 5 châu cùng chung một con tim hướng về biển đảo…
Hàng ngày, ở nơi ấy, mỗi người lính trên đảo Trường Sa vẫn luôn sáng lên tinh thần bất tử, lớp lớp những người lính đang nối tiếp nhau bảo vệ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để Trường Sa mãi mãi là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, là phên dậu, là tai mắt của Việt Nam trên Biển Đông, giữ vững bình yên cho mọi người./.
Tác giả: Thùy Giang