Chuyen gia: Xay dung thi truong xang dau thuc thu, di theo cung cau hinh anh 1Một điểm bán lẻ xăng dầu của Petrolimex. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tình trạng một số cửa hàng treo biển tạm dừng bán hàng, hết xăng hay bán cầm chừng… tái diễn cục bộ tại một số địa phương thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi băn khoăn về những bất cập trên thị trường xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng cần một giải pháp tổng thể để ổn định thị trường xăng dầu.

- Trong khi cơ quan chức năng khẳng định là không thiếu nguồn cung, vậy tại sao nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, thưa ông?

Giáo sư Đinh Trọng Thịnh: Nếu chúng ta cân đối giữa sản lượng sản xuất ở trong nước cộng với sản lượng nhập khẩu so với nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội trong cả một năm hoặc một thời kỳ thì rõ ràng là cân đối và bằng nhau, thậm chí là có thể giữ nguồn cung.

Thế nhưng, trong từng thời điểm, ở từng địa phương và với sự biến động rất lớn của thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua thì rõ ràng là từng mặt hàng, từng địa phương có thể thiếu hàng.

[Không thiếu nguồn cung xăng dầu, vì sao nhiều cửa hàng vẫn ngừng bán]

Ví dụ, thời gian vừa qua giá dầu diesel trên thế giới tăng rất cao kéo giá trong nước cũng tăng lên vài ba nghìn đồng, thậm chí lần đầu tiên giá dầu diesel vượt giá xăng thì lập tức mặt hàng dầu diesel trở thành khan hiếm trên thị trường và việc bán dầu diesel trở thành một vấn đề đối với các doanh nghiệp, vì họ bán với giá mà chúng ta quy định đang thấp hơn mức giá nhập từ Singapore về khoảng hơn 2.000 đồng một lít thì rõ ràng càng bán càng lỗ.

Chính vì thế một số doanh nghiệp tìm cách ghìm giá bán lại hoặc là giảm và thậm chí ở nhiều nơi không còn dầu diesel để bán.

- Tình trạng găm hàng, nghỉ bán không chỉ xảy ra khi giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng cao mà ngay cả khi giá xăng dầu thế giới giảm, thị trường ở trong nước điều chỉnh giảm mạnh thì nhiều cây xăng vẫn đóng cửa nghỉ bán hoặc là chỉ bán cầm chừng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Giáo sư Đinh Trọng Thịnh: Xăng dầu là một lĩnh vực trọng yếu mà Nhà nước coi là một mặt hàng chiến lược để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và Nhà nước vẫn điều chỉnh giá.

Trước đây chu kỳ điều hành là hàng tháng thì đến nay giảm xuống còn 10 ngày. Tuy nhiên, kinh doanh xăng dầu khác biệt với các ngành kinh doanh khác, vì theo thông lệ quốc tế đó là việc mua bán xăng dầu là mua bán cho kỳ hạn tối thiểu là kỳ hạn một tháng, không thì 3 hoặc 6 tháng và rõ ràng là các doanh nghiệp đầu mối khi đặt mua hàng với các doanh nghiệp nước ngoài họ ký kết hàng tháng trước đó.

Vì thế giá khi nhập về đã khác xa so với giá đang thực tế bán ở trên thị trường do đó luôn luôn có sự không trùng khớp với nhau và nó rất dễ xảy ra các trường hợp ghìm giá.

Như tôi đã nói, một có thể là doanh nghiệp đầu mối họ mua giá cao, nhưng khi về thì hiện giá đã rơi xuống thấp nên doanh nghiệp bán đã chịu lỗ. Hoặc thứ hai là doanh nghiệp có thể mua được giá thấp nhưng đưa về Việt Nam thì giá lên cao nhưng họ cũng sẽ bán rất dè dặt vì có thể giá còn cao nữa, do vậy nếu mà họ bán nữa có nghĩa là họ đang giảm cái lợi nhuận của họ và vì thế họ cũng kìm giữ''.

- Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:

- Có ý kiến cho rằng cơ chế tính giá hiện nay đã lỗi thời, vậy quan điểm của ông như thế nào?

Giáo sư Đinh Trọng Thịnh: Trong cơ chế về phân chia lợi ích cũng như tính giá cơ sở của xăng dầu, ngay cả ở doanh nghiệp đầu mối lẫn giá cơ sở ở các doanh nghiệp đầu ra, đó là các doanh nghiệp bán lẻ chúng ta nó cũng đang có vấn đề, chưa nói đến cơ chế phân chia lợi nhuận định mức cũng như là phân chia các chi phí, nó cũng có nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thay đổi được.

Thực tế, có những chi phí vẫn giữ từ cách đây 7, 8 năm (từ năm 2014), trong khi giá của thị trường đã thay đổi rất nhiều. Rõ ràng với cách tính giá như vậy thì các doanh nghiệp đầu mối lẫn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ đều gặp khó khăn, dẫn đến việc càng bán càng lỗ thì về mặt nguyên tắc của người kinh doanh là nếu mà càng bán càng lỗ thì họ không muốn bán nhiều hoặc thậm chí không bán.

Tất nhiên, do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà Nhà nước bắt buộc họ phải bán, cho nên họ vẫn phải đảm bảo bán ra thị trường. Nhưng họ làm sao đó để thiệt hại ít nhất, cho nên có việc là một số cây xăng có thể giảm các cái cột bơm hoặc bán một lượng vừa phải... để giảm lượng bán ra.

- Hiện chúng ta đã có hơn 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu, song có ý kiến cho rằng vẫn còn chưa đủ. Vậy bao nhiêu là đủ và chúng ta làm thế nào để tránh được cụm từ độc quyền như nhiều người vẫn nghĩ đối với thị trường xăng dầu, thưa ông?

Giáo sư Đinh Trọng Thịnh: Việc có bao nhiêu đầu mới xăng dầu là hợp lý, theo tôi là càng nhiều thì càng tốt, sức cạnh tranh sẽ càng tốt hơn.

Tuy nhiên, nó không phụ thuộc vào nhiều hay ít, bởi thậm chí một số quốc gia ngay cạnh Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ 2 hoặc 3 đơn vị thôi nhưng họ quản lý tốt thì vẫn có cạnh tranh và vẫn đảm bảo các yêu cầu, đặc biệt là trong cái điều kiện như thị trường xăng dầu thì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Thêm nữa là việc đàm phán có mua bán kỳ hạn, cho nên thậm chí có càng nhiều doanh nghiệp mà cạnh tranh thì việc đàm phán càng khó khăn và giá dầu có khi vẫn cao, vì thế việc cơ chế quản lý và cách thức quản lý nó mới có ý nghĩa quan trọng với cái thị trường này.

Còn thị trường xăng dầu hiện nay về cơ bản tôi đang gần tiếp cận với cơ chế thị trường và đây là điều kiện để thời gian tới chúng ta có thể xây dựng một thị trường xăng dầu theo hướng kinh tế thị trường tiêu thụ.

- Vậy theo ông, những cái giải pháp quan trọng nào cần được đưa ra để tháo gỡ khó khăn mà hiện tại thị trường đang gặp phải?

Giáo sư Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng là Bộ Công Thương cần kiểm tra việc cân đối cung-cầu xăng dầu theo từng mặt hàng, với từng địa phương, từng thời gian cụ thể theo tuần, tháng để từ đó xem xét, phân bổ lượng xăng dầu về các nơi một cách hợp lý nhất, đảm bảo nhu cầu phát triển.

Tiếp đến, cần xem xét để điều chỉnh lại giá cơ sở hình thành xăng dầu ở các doanh nghiệp đầu mối lẫn các doanh nghiệp bán lẻ để từ đó có cái giá phù hợp, đảm bảo lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội xăng dầu cùng với Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để tăng hạn mức tín dụng, giúp cho các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được xăng dầu phù hợp.

Thực tế, việc thường xuyên kiểm soát, giám sát kinh doanh xăng dầu cả ở các doanh nghiệp đầu mối lẫn các doanh nghiệp bán lẻ chứ không phải là chỉ khi nào có đột biến, có sự kêu ca thì mới kiểm tra, giám sát.

Cuối cùng, theo tôi, cần phải xây dựng thị trường xăng dầu thực thụ theo hướng kinh tế thị trường để từ đó giúp cho hoạt động kinh doanh đi theo thị trường, cạnh tranh nhiều hơn, gần với thị trường quốc tế hơn thì lúc đó việc điều chỉnh có thể từng ngày và chúng ta có thể bỏ được quỹ bình ổn giá, bỏ được định mức về kinh doanh và định mức về lợi nhuận và thị trường xăng dầu đi theo cung-cầu…

Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)