Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam nối tiếp chuỗi ngày điều chỉnh từ hai tuần trước đó. Tuy nhiên, đà giảm điểm đã được rút ngắn nhờ dòng tiền bắt đáy xuất hiện quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm của VN-Index.

Tiếp tục điều chỉnh

Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (lần thứ ba liên tiếp), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng đây là bước đi quyết liệt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tỷ giá và ổn định vĩ mô trong nước. Tuy vậy, việc lãi suất tăng lên cũng khiến mức định giá thị trường kém hấp dẫn hơn, do vậy các chỉ số chứng khoán trong nước duy trì xu hướng điều chỉnh trong tuần qua.

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho biết trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đã có những phản ứng tiêu cực khiến VN-Index giảm 30,75 điểm (-2,5%), xuống 1.203,28 điểm. HNX-Index giảm 8,44 điểm (-3,1%) và xuống 264,44 điểm trong cả tuần. Mặt khác, thanh khoản của thị trường cũng giảm nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục dưới mức trung bình 20 tuần gần nhất.

[Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau quyết định tăng lãi suất của các nước]

Cụ thể, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 60.535 tỷ đồng và giảm 6,3% so với tuần trước đó (tương ứng với khối lượng 2.406 triệu cổ phiếu). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt 6.579 tỷ đồng, giảm 10,5% so với tuần trước ( khối lượng giao dịch 317 triệu cổ phiếu). 

Ông Thắng cho biết với mức giảm điểm của chỉ số trên cả hai sàn, thị trường ghi nhận toàn bộ các nhóm ngành đã điều chỉnh xuống.

Giá trị giao dịch tuần theo ngành:

Chuyen gia: TTCK tiep tuc nghieng ve xu huong dieu chinh ngan han hinh anh 1(Nguồn: SHS)

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất với mức giảm 4,1% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu, có thể đến việc giá dầu thế giới tiếp tục “hạ nhiệt” với các mã tiêu biểu như PLX (-4,9%), PVD (-2,6%), BSR (-3%), PVS (-1,9%)...

Tiếp theo là khu vực ngân hàng (nhóm trụ cột của thị trường) với mức giảm khá sâu 3,9% giá trị vốn hóa. Ông Thắng cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn sự điều chỉnh trên thị trường trong tuần qua, cụ thể VCB (-4,1%), CTG (-4%), BID (-2,5%), TCB (-4,9%), VPB (-5,4%), MBB (-3,4%), ACB (-2,2%), SHB (-3,6%)...

Cổ phiếu nhóm nguyên vật liệu cũng giảm khá mạnh với 3% giá trị vốn hóa và các ngành còn lại có giảm tương đối, như tài chính (-2,3%), công nghiệp (-1,6%), dược phẩm và y tế (-1%), hàng tiêu dùng (-0,8%), công nghệ thông tin (-0,5%)...

Về giao dịch của khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên hai sàn đạt 365,85 tỷ đồng/tuần; trong đó VND là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 6,5 triệu cổ phiếu, tiếp theo là KDH với 5,3 triệu cổ phiếu và FUEVFVND với 4,9 triệu chứng chỉ quỹ. Song, HPG đã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất đạt 11,8 triệu cổ phiếu.

Ông Thắng lưu ý các hợp đồng tương lai VN30 trên thị trường phái sinh đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 từ 5,41 đến 11,01 điểm và điều này đang cho thấy các nhà đầu tư nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.

Có thể lùi sâu hơn mốc 1.200 điểm

Về cơ bản, ông Thắng đánh giá việc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam công bố nâng các mức lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi lên thêm 1%,  cho thấy VND vẫn giữ giá khá tốt.

Bên cạnh đó, nền kinh tế duy trì tăng trưởng và các công ty hiện có tỷ trọng tiền mặt khá lớn với tình trạng vay nợ thấp, những yếu tố này sẽ là lợi thế trong tình hình hiện nay.

Ông Hinh nhấn mạnh trước những biến động mạnh trên thị trường quốc tế sau cuộc họp của FED tuần vừa qua, các nhà đầu tư cần có thời gian để đánh giá lại các số liệu kinh tế vĩ mô trong nước cũng như ổn định tâm lý. Tuy nhiên, rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn hiện hữu và chỉ số có thể lùi sâu hơn mốc 1.200 điểm trong tuần tới.

“Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục trong giai đoạn này. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng cần chủ động hạ tỷ lệ đòn bẩy để giảm thiểu rủi ro, cụ thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức vừa phải (50%-70% cổ phiếu),” ông Hinh khuyến nghị.

Về trung hạn, ông Thắng nhận định VN-Index vẫn trong giai đoạn tích lũy dưới xu hướng giảm hình thành từ vùng đỉnh 1.520-1.528 điểm (tháng 4/2022) và đỉnh 1.295 điểm (tháng 8/2022). Và, khi VN-Index vượt được xu hướng giảm giá này sẽ có thể kỳ vọng thị trường tăng trưởng tốt hơn.

“Trong dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Do đó, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3 gần kết thúc và các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện, để xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt,” ông Thắng nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)