Trả lời phóng viên TTXVN tại Trung Quốc về bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm được đăng tải gần đây, ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam, cho rằng bài viết đã trình bày sâu sắc và toàn diện về một nhiệm vụ quan trọng khác mà Việt Nam cần thực hiện khi đứng trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đó là nhiệm vụ chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Theo ông Lăng Đức Quyền, điều này vừa có tính cấp thiết, cũng rất thiết thực để Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản, đẩy nhanh sự phát triển toàn diện, nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện hai mục tiêu thế kỷ.
Nhà nghiên cứu này đánh giá những thành quả trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mang tên "tham nhũng" ở Việt Nam đã gây tiếng vang lớn, công cuộc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đây là một trong những biện pháp cơ bản nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và thịnh vượng lâu dài của Việt Nam.
Về vấn đề chống lãng phí, theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu đã ra đòn tấn công mạnh mẽ vào “giặc nội xâm” mang tên "lãng phí" này.
Ông cho rằng đây là một hành động đúng đắn, sẽ giúp tiết kiệm và tận dụng tối đa các nguồn lực của đất nước, nâng cao hiệu quả công việc của mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra.
Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền nhấn mạnh tài nguyên của một quốc gia hay thậm chí của cả hành tinh không phải là vô hạn. Xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm là nhu cầu khách quan và chiến lược phát triển, phản ánh nhận thức mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội loài người.
Văn hóa tiết kiệm là động lực tinh thần để xây dựng lên xã hội tiết kiệm. Khi chống lãng phí và thực hành tiết kiệm phải trở thành quốc sách, khi tiết kiệm được coi trọng và phổ biến trong xã hội, trở thành một thói quen, nếp sống văn minh của mỗi người, thì việc xây dựng xã hội tiết kiệm mới có thể từ ý tưởng biến thành hiện thực.
Ông Lăng Đức Quyền tin rằng trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, văn hóa tiết kiệm sẽ tiếp tục được lan tỏa trong toàn xã hội, và việc xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm sẽ tiếp tục đạt được kết quả thực chất.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng Ban Việt ngữ - Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc Ngụy Vi cũng cho rằng, xa hoa, lãng phí là một vấn đề lớn. Bởi sự xa hoa, lãng phí đi chệch với truyền thống văn hóa đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phá hoại công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Nếu để lãng phí lan rộng sẽ như bức tường vô hình ngăn cách Đảng với Nhân dân, Đảng sẽ mất đi mất đi sức mạnh, mất đi nền móng vững chắc là nhân dân.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí, ngoài các biện pháp trừng trị nghiêm khắc ra, cần phải rèn luyện thói quen tiết kiệm, coi lãng phí là điều đáng xấu hổ, đáng lên án, còn tiết kiệm là điều đáng tự hào, là vinh quang. Đây là nhiệm vụ lâu dài, nhưng cũng rất cấp bách.
Ông cho rằng xây dựng văn hóa chống lãng phí là một biện pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công cuộc phòng chống lãng phí. Trong đó cần thiết lập cơ chế chặt chẽ để “không dám, không thể” lãng phí, đưa “không muốn” lãng phí trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội.
Muốn hình thành những giá trị văn hóa tốt đẹp này, theo chuyên gia Ngụy Vi, trước hết phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, đưa tư tưởng “tiết kiệm là vinh quang, lãng phí là xấu hổ” thấm sâu vào từng cán bộ, người dân, để tư tưởng này lan tỏa ra toàn xã hội.
Thứ hai, phải hình thành cơ chế lâu dài, tìm kiếm động lực từ thể chế. Cần tăng cường lập pháp cũng như giám sát, thực hiện các biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn nhằm chấm dứt các hành vi lãng phí.
Thứ ba là quán triệt tư tưởng ở tất cả ngành, các địa phương, phải coi lãng phí cũng là tham nhũng, còn tiết kiệm là thước đo hiệu quả công tác xây dựng chính quyền.
Các cơ quan Đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo phải đi đầu nêu gương, cấp này làm cho cấp kia xem, chỗ này học tập kinh nghiệm chỗ kia.
Cuối cùng, để chống lãng phí cần hình thành lối sống xanh. Từ tiết kiệm thực phẩm đến từ chối tiêu dùng quá mức, hình thành lối sống và cách tiêu dùng vừa đủ, xanh, ít carbon, đây là cơ sở để loại bỏ dần hành vi lãng phí, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ./.
Nguồn: Tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ trên nhiều lĩnh vực | Vietnam+ (VietnamPlus)