Chuyên gia: Chứng khoán quý cuối năm không dễ kiếm lời

06:47 - 06/10/2023

Giới phân tích nhận định trong quý 4, để chiến thắng trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ cổ phiếu, vì không còn “mua là thắng” như 3 quý đã qua.

Chuyen gia: Chung khoan quy cuoi nam khong de kiem loi hinh anh 1Khách hàng giao dịch tại Hội sở Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thị trường chứng khoán đã đi qua 3 quý đầu năm với kết quả tích cực.

Việc kiếm lời dễ dàng không chỉ “kích hoạt” dòng tiền nhà đầu tư cũ mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Dù bối cảnh vĩ mô hiện tại vẫn có những điểm thuận lợi, nhưng đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới gây khó khăn cho đà tăng của thị trường chứng khoán.

Giới phân tích nhận định trong quý 4, để chiến thắng trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ cổ phiếu, vì không còn “mua là thắng” như 3 quý đã qua.

Thực tế, trong quý 3, thị trường chứng khoán liên tiếp đón nhận những phiên giao dịch tỷ USD.

Đáng chú ý, có những phiên ba sàn khớp lệnh lên tới 38.000 tỷ đồng, mức kỷ lục trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Chỉ số VN-Index khép lại quý 3 với mức tăng 3%, ngược dòng chứng khoán thế giới, đây cũng là quý tăng thứ ba liên tiếp của chỉ số này (trước đó chỉ số này tăng 5,2% trong quý 2 và quý 1 tăng 5,7%) bất chấp tuần và tháng cuối quý giảm mạnh.

Chứng khoán giao dịch sôi động cũng thu hút thêm rất nhiều nhà đầu tư gia nhập thị trường.

Cập nhật số liệu mới từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), đến cuối tháng 9, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số.

Thực tế, thị trường đã có nhịp tăng tới 4 tháng liên tiếp nhờ lực đẩy từ 4 lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, “con sóng” này đã dừng lại trong tháng 9 vừa qua.

Giới phân tích nhìn nhận việc thị trường tăng một nhịp dài, giờ đây giảm trở lại là hợp lý. Bên cạnh đó, những diễn biến vĩ mô mới khiến thị trường giảm sức nóng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.154,15 điểm, giảm 5,71% so với tháng 8.

Thanh khoản toàn thị trường ở tuần cuối tháng 9 xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tuần trở lại đây, tuy vậy, tháng 9 vẫn có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm, qua đó kéo thanh khoản quý 3 tăng ấn tượng.

Trong khi nhà đầu tư trong nước giao dịch sôi động, nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã bán ròng hơn 8.000 tỷ đồng trong 9 tháng trên sàn HOSE; trong khi chỉ mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên HNX.

Chuyen gia: Chung khoan quy cuoi nam khong de kiem loi hinh anh 2Khách hàng theo dõi thị trường chứng khoán. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán 9 tháng đã đi qua 2 giai đoạn lớn.

Cụ thể, sau thời gian “lình xình” từ tháng 2-4/2023, thị trường đã bước vào giai đoạn tăng rất mạnh kể từ tháng 5-8.

Tuy nhiên, sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây, cơ quan này khẳng định lại rằng lạm phát đang có xu hướng gia tăng trở lại, do đó nhiều khả năng sẽ có thêm đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời năm 2024 dự báo chỉ có 2 đợt hạ lãi suất.

Những yếu tố này đã khiến cho tâm lý của nhà đầu tư phản ứng vào thị trường và chỉ số sụt giảm kể từ giữa tháng 8 cho đến nay.

Trong bối cảnh hiện tại, yếu tố về lạm phát và lãi suất tăng cũng khiến cho thị trường khó khăn hơn.

Mặc dù thị trường trong ngắn hạn có khả năng cao đã cân bằng trở lại, nhưng xu hướng trung hạn đã trở nên khó khăn hơn. “Đà tăng trung hạn có thể đã kết thúc,” ông Minh nói.

Vị chuyên gia này nhận định thị trường nhiều khả năng trong quý 4 sẽ đi ngang.

Từ thời điểm này cho đến tháng 11 khả năng cao thị trường vẫn có diễn biến tích cực, nhưng đến tháng 12, áp lực giảm có thể quay trở lại khi Fed có thể tăng lãi suất vào tháng này.

Tuy nhiên, nhận định trong dài hạn, ông Minh cho rằng xu hướng vẫn là đi lên. Do đó, vị chuyên gia nhìn nhận áp lực giảm của thị trường trong giai đoạn vừa qua có thể được xem là cơ hội của nhà đầu tư đang có vị thế nắm giữ dài hạn.

“Khả năng chỉ số VN-Index giảm xuyên thủng mốc 1.000 điểm là rất thấp. Kịch bản thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong dài hạn được đánh giá cao,” ông Minh nói.

Lý giải điều này, ông Minh cho biết bối cảnh hiện tại, mặt bằng lãi suất thấp, bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp cũng chưa phát hành lượng trái phiếu lớn do tình hình kinh tế hiện tại chưa có bước ngoặt, do đó, dòng tiền sẽ chảy về “chỗ trũng” đó là thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên trong quý 4, xu hướng thị trường sẽ là phân hóa, đi ngang. Nhà đầu tư sẽ không dễ dàng kiếm lợi nhuận “mua là thắng” như trong 3 quý vừa qua, việc đầu cơ như vậy không còn dễ dàng.

Theo ông Minh, yếu tố định giá của thị trường sẽ phụ thuộc vào chi phí vốn và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.

Gần đây, khi đồng USD tăng, lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ duy trì ở mức cao, áp lực về chi phí vốn của doanh nghiệp có khả năng vẫn ở mặt bằng cao, không còn hấp dẫn trong định giá.

Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội ở nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm.

Giai đoạn quý 4, việc lựa chọn cổ phiếu là bài toán quyết định để chiến thắng trong đầu tư.

Có góc nhìn thận trọng, nhóm phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC) cho biết một trong những câu chuyện được tranh luận nhiều khi số liệu kinh tế xã hội quý 3/2023 được công bố là con số tăng trưởng GDP.

Rõ ràng, số liệu cho thấy ít nhiều sự cải thiện khi ước tính GDP quý 3 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, GDP quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%. Để đạt được điều này, Việt Nam đã có 4 lần hạ lãi suất và rất nhiều chính sách hỗ trợ khác. Các cơ quan quản lý gần như đã sử dụng tất cả những công cụ của mình để đạt được kết quả này.

DSC cho rằng để đạt được mức tăng trưởng GDP 5% cho cả năm 2023, thì quý 4/2023, Việt Nam cũng cần đạt tăng trưởng trên 7%.

Để đạt được mức 5,5% cả năm, tăng trưởng quý 4 phải đạt xấp xỉ 9%. Đây là những thách thức không hề nhỏ.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cơ quan này đã đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 đạt mức 4,7%.

DSC cho rằng việc nhìn nhận chính xác về bức tranh kinh tế đầy thách thức không phải để bi quan mà để đánh giá thực tế những gì phải đối mặt.

Dù vậy, DSC cho biết trong bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận; trong đó, điểm sáng nổi bật đến từ kim ngạch xuất nhập khẩu.

Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giảm nhẹ, nhưng đã có sự cải thiện tới từ một số nhóm hàng hóa cụ thể. Trong khi đó, cán cân thương mại vẫn duy trì thặng dư tích cực.

Cụ thể, trong tháng 9/2023, ước đạt xuất siêu 2,29 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2023, con số này đạt tới 21,68 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mốc 6,9 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm 2022.

Điểm nhấn thứ 2 tới từ khu vực đầu tư công khi đã đạt mức giải ngân 363.310 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 51,38% kế hoạch. Đây là năm đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm vượt mức 50%. Trước đó, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm 2022 chỉ đạt 46,7%.

Với việc thị trường hàng hóa nóng trở lại, các nhóm cổ phiếu chịu tác động lớn từ biến động giá hàng hóa dự kiến sẽ có những chuyển biến lớn theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

DSC nhận định vẫn có những cơ hội len lỏi ở những nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ở những ngành nghề có tiềm năng như xuất nhập khẩu hay hàng hóa.

Theo ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tăng điểm tích cực trong 9 tháng, là một trong các thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới.

Về triển vọng thị trường trong quý 4, thị trường có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn do những lo ngại về việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực tỷ giá trở lại và nền định giá cao của nhóm phi tài chính.

Tuy nhiên, vị chuyên gia từ BVSC đánh giá cơ hội tăng của thị trường vẫn còn sau giai đoạn suy giảm vừa qua, nhờ yếu tố dòng tiền nội được duy trì với môi trường lãi suất thấp và triển vọng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023 và 2024.

Dù hiện tại thị trường vẫn đang gặp rất nhiều thách thức, nhưng theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong quý cuối năm 2023, thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực.

Nếu đặt trong mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương giai đoạn COVID-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này khoảng 17%.

Nhìn về dài hạn, MBS cho rằng những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó.

Mặc dù tình hình vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc song nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý 3 năm nay nhờ sản xuất tiếp tục mở rộng, xuất khẩu thu hẹp đà giảm, trong khi dịch vụ du lịch vẫn duy trì đà tăng ổn định.

Bà Hiền cũng cho rằng mặc dù tiến độ tương đối chậm, song nhiều dự án bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX) sẽ được đi vào vận hành trong năm nay, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam.

Việc cân nhắc các yếu tố rủi ro từ áp lực tỷ giá cũng như khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11/2023, do đó MBS dự báo VN-Index những tháng cuối năm sẽ ở mức 1.260-1.280 điểm./.