Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tạp chí Ottawa Life mới đây đã đăng bài viết của Giám đốc Hội đồng thương mại Canada-Việt Nam Julie Nguyen và Giáo sư kinh doanh Luis Silva tại Trường Centennial College ở Toronto, trong đó cho rằng những nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài viết nhấn mạnh những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục được duy trì, đánh dấu bằng những vụ án cấp cao được đưa lên mặt báo, cho thấy rõ những cam kết của chính phủ về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố đã tăng 10 điểm trong giai đoạn 2013-2023 lên thứ 83/180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bài viết đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực chống tham nhũng kể từ năm 2016.
Chiến dịch “đốt lò” đã chứng kiến việc cách chức, bãi nhiệm hàng loạt quan chức, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao nhất, phát tín hiệu bài trừ tận gốc nạn tham nhũng ở các cấp. Tham nhũng trong kinh doanh, đặc biệt là trong ngân hàng và bất động sản, cũng là mục tiêu.
Một trong những ví dụ điển hình trong nỗ lực của chính phủ trấn áp các hành vi bất hợp pháp là vụ án Trương Mỹ Lan, người đứng đầu một công ty bất động sản lớn, đã bị kết án tử hình vì liên quan đến vụ lừa đảo tài chính trị giá 12,5 tỷ USD.
Mặc dù các biện pháp chống tham nhũng này có thể làm gián đoạn một số dự án và chuỗi cung ứng, nhưng cũng đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, như được phản ánh trong đánh giá của tổ chức TI.
Theo bài viết, chiến dịch “đốt lò” nhằm nâng cao tính minh bạch và quản trị, mang tới những cải thiện đáng kể trong việc giảm tham nhũng.
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ giảm được tham nhũng, trong khi môi trường kinh doanh được cải thiện và nâng cao tính minh bạch.
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam đang mang đến những cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn. Môi trường chính trị ổn định, vị trí chiến lược và nền kinh tế đang phát triển thu hút các nhà đầu tư có tổ chức.
Mặc dù các nhà đầu tư phải đối mặt một bất cập về cơ sở hạ tầng, pháp lý nhưng Việt Nam đang tiếp tục cải cách, và các chính sách thân thiện với đầu tư đang mang lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư.
Bài viết nhận định, các nhà đầu tư Canada sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác tích cực với Việt Nam. Thương mại song phương Canada-Việt Nam đã tăng vọt, hơn 10 tỷ USD năm 2023.
Là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cả hai nước đều thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế.
Các doanh nghiệp Canada nên tận dụng quỹ đạo tăng trưởng và vị trí chiến lược của Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính phủ Canada.
Trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động, Việt Nam vẫn kiên định chính sách đối ngoại, cân bằng quan hệ với các nước lớn và tăng cường quan hệ với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đối với Canada, việc tăng cường hợp tác với Việt Nam được đánh giá là phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời mang lại cơ hội hợp tác kinh tế và ảnh hưởng trong khu vực./.