Chuyển đổi số trong xuất nhập cảnh, nâng chất lượng dịch vụ công trực tuyến

11:29 - 07/08/2024

Thủ tục kiểm tra, xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua giao dịch điện tử đạt 99%; tỷ lệ nộp hồ sơ đăng ký cấp hộ chiếu qua dịch vụ công trực tuyến là 97% tổng số hồ sơ.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Nam, trao trả hộ chiếu cho công dân. (Ảnh: Thanh Tuấn/ TTXVN)
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Nam, trao trả hộ chiếu cho công dân. (Ảnh: Thanh Tuấn/ TTXVN)

Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an nói chung và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng trong thời gian qua mang tính đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Thủ tục làm hộ chiếu, thị thực đơn giản, thực hiện hoàn toàn qua mạng

Để đẩy mạnh chuyển đổi số thì cần đặc biệt chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý xuất nhập cảnh.

Thời gian qua, việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh được tăng cường, trọng tâm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23).

 
TTXVN_0708hochieu2.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Nam, tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông của công dân trên cổng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Việc ban hành Luật này đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đặc biệt là trong công tác cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh; tạo thuận lợi cho công dân, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là giữa Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với Luật Điều ước quốc tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử, Luật số 23 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thị thực điện tử, trong đó: Nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. Quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Việc cho phép được lựa chọn đề nghị cấp thị thực điện tử giá trị nhiều lần giúp người nước ngoài chủ động hơn các lần nhập cảnh, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất đối với số người có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa các quốc gia để khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm…; đồng thời, giá trị nhiều lần cũng phù hợp với việc đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về diện được áp dụng cấp thị thực điện tử để mở rộng thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết: "Chính sách pháp luật xuất nhập cảnh của người nước ngoài nói chung, cấp thị thực điện tử nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao do thủ tục rất đơn giản, người nước ngoài có nhu cầu đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện hoàn toàn qua mạng, tự làm thủ tục từ khai thông tin đến nộp phí, nhận kết quả, không phải qua khâu trung gian, thời gian trả kết quả được rút gọn."

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, một phần theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục phối hợp văn phòng Bộ rà soát, đề xuất lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 430/QĐ-BCA về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an (thay thế Quyết định số 10695/QĐ-BCA).

Trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh sẽ cung cấp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, gồm: 22 dịch vụ công trực tuyến một phần và 18/22 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Để xây dựng văn bản, hoàn thiện cơ sở hành lang pháp lý thực hiện chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn thành triển khai thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh theo phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công an; ban hành quy trình xác minh nội bộ đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an...

Cục Quản lý xuất nhập cảnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm nghiệp vụ đảm bảo việc triển khai dịch vụ công trực tuyến: phối hợp các đơn vị thuộc Bộ báo cáo lãnh đạo Bộ hoàn thiện các thủ tục thực hiện Dự án "nâng cấp hệ thống nghiệp vụ xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh đáp ứng mức độ 3, mức độ 4" theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp đơn vị nghiệp vụ bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, có biện pháp khắc phục kịp thời các lỗ hổng có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hệ thống; thường xuyên giám sát đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối hệ thống các thông tin phục vụ dịch vụ công trực tuyến ngành Công an.

Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an nói chung và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng trong thời gian qua mang tính đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và góp phần hội nhập quốc tế.

Việc triển khai hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ hiện đại trong việc triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực xuất nhập cảnh đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

 

"Mọi giao dịch giữa người dân và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đều thực hiện trên môi trường điện tử, người dân không phải đến tận trụ sở cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh xếp hàng, lấy số thứ tự nộp hồ sơ; công dân chủ động thực hiện giao dịch vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ nơi nào có kết nối internet, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm; công dân có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, qua đó gia tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng nhập cảnh của người nước ngoài là gần 8,9 triệu lượt tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023; xét duyệt nhân sự cho gần 1,7 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh; cấp gần 1,5 triệu thị thực điện tử.

Hiện tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại Cục ổn định, thủ tục "kiểm tra, xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam" qua giao dịch điện tử đạt mức 99%."

TTXVN_0708thithucdientu.jpg
Người nước ngoài làm thủ tục xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN phát)

Về công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, 6 tháng đầu năm, lưu lượng công dân Việt Nam xuất cảnh là hơn 5,7 triệu lượt, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục đã cấp hơn 1,3 triệu hộ chiếu cho công dân Việt Nam trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến là 97% tổng số hồ sơ.

Đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã hoàn thiện các tính năng, tiện ích để nâng cao chất lượng cung cấp 38/40 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công thiết yếu cấp hộ chiếu phổ thông đạt trên 80%; nhiều dịch vụ đạt 100%.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một bộ phận người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp truyền thống; lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khả năng sử dụng máy tính, internet còn hạn chế; một số lỗi của Cổng dịch vụ công Bộ Công an chưa được khắc phục kịp thời; dự án nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm nghiệp vụ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang trong quá trình hoàn thiện; chưa khai thác được dữ liệu của các bộ, ngành.

Đại tá Đặng Tuấn Việt cũng cho biết về một số phương hướng, giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thành Dự án nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm nghiệp vụ của Cục; xây dựng phần mềm, dịch vụ công liên thông và phối hợp văn phòng Bộ tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Kế hoạch và hướng dẫn của Bộ phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tập huấn cho Công an các địa phương có tỷ lệ trực tuyến thấp để kịp thời chấn chỉnh, đề xuất biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; hoàn thiện tính năng tiện ích của dịch vụ công Bộ Công an để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện; tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án giảm phí/lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; từ đó người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến so với việc thực hiện phương thức trực tiếp truyền thống như trước đây để chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính./.

Nguồn: Chuyển đổi số trong xuất nhập cảnh, nâng chất lượng dịch vụ công trực tuyến | Vietnam+ (VietnamPlus)