Chuyen doi so se dem lai 1,1% tang truong GDP moi nam cho Viet Nam hinh anh 1Ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” đã tạo nên thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện chinh sách an sinh xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học-Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam.

Thời gian qua, những thử nghiệm về chuyển đổi số trong Chính phủ như Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ… đã phát huy tác dụng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ công chức và người làm thủ tục.

Để thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để thúc đẩy việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, trước đây, ngành công nghệ thông tin đóng vai trò mũi nhọn trong hoạt động phát triển kinh tế; đến nay, để đáp ứng sự thay đổi của thế giới, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang dần biến đổi linh hoạt, trở thành nền tảng quan trọng để nâng tầm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Nền kinh tế số Việt Nam muốn tiến xa thì điều kiện tiên quyết là làm sao lồng ghép được sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn phải làm theo cách riêng của Việt Nam.

Do vậy, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ là làm thế nào để vừa học hỏi, cập nhật cũng như phát huy các thế mạnh của ngành công nghệ thông tin trên thế giới, lại vừa nỗ lực sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ chất lượng cao, mang tính Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ.

 

[Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023]

Dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Để làm được việc đó, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần phối hợp xây dựng hạ tầng số mạnh mẽ cho quốc gia, gồm hạ tầng cứng là 5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu và hạ tầng mềm là cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu mở. Chính phủ cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chung cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và theo từng ngành như y tế, giáo dục, văn hóa…

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể kết hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin để tăng cường triển khai và phổ cập các nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đa dạng và tối ưu hóa nguồn thông tin trong đời sống nhân dân và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, như nền tảng đại học số, nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC), nền tảng trợ lý ảo… Song song đó, hạ tầng thể chế cũng rất quan trọng với những chính sách phù hợp với xã hội số. Cần có các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, trước mắt, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tội phạm mạng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về pháp lý, kỹ thuật, nhằm phục vụ việc đánh giá, xếp hạng chỉ số Chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Về dài hạn, Chính phủ có thể kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để xây dựng trung tâm hợp tác bảo vệ an ninh mạng, với mục đích điều phối an ninh không gian mạng; cảnh báo về các mối đe dọa tấn công mạng và tham gia các cuộc tập trận chung về phòng thủ không gian mạng; tổ chức các lớp đào tạo,nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng…

Ông Chính cũng khuyến nghị, Chính phủ nên mở cửa hơn nữa cho doanh nghiệp công nghệ để thu hút nhân tài, nguồn lực. Đồng thời, giao cho khu vực tư nhân đảm nhận các dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế số của đất nước, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh (Smart City) tại nhiều vùng trên cả nước. Cùng với đó, xem xét tạo điều kiện xây dựng Việt Nam thành “Digital Hub” của APAC - nơi trung chuyển, kết nối dữ liệu và hạ tầng viễn thông của khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)