Chuyển đổi số ở bản vùng cao Bình Liêu

08:00 - 21/08/2023

Chuyển đổi số không chỉ tác động trực tiếp tới quảng bá, làm nức tiếng điểm đến du lịch Bình Liêu mà còn làm thay đổi nhiều mặt đời sống bà con ở huyện vùng cao, biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Chuyển đổi số không chỉ tác động trực tiếp tới quảng bá, làm nức tiếng điểm đến du lịch Bình Liêu mà còn làm thay đổi nhiều mặt đời sống bà con ở huyện vùng cao, biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.



Từ những “Đại sứ” du lịch ở bản thời 4.0

Du lịch đang ngày càng thay đổi đặc biệt dưới sự tác động của kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Ở huyện biên giới với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chuyển đổi số đã về và làm thay đổi cuộc sống, cách làm du lịch ở tận bản xa vùng biên giới.

z4618995113324_b3c6bd1091c08d8c5f95d4add2f736ae

Trưởng bản Dường Phúc Thím cùng các con giới thiệu cảnh đẹp của xã Đồng Văn qua mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Quang.

Tới bản Khe Tiền, bản vùng cao, sâu xa, biên giới của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi tới thăm trưởng bản người Dao anh Dường Phúc Thím (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, Bình Liêu). Ngồi bên ấm trà nóng mới pha anh Thím kể bản thân anh và gia đình làm du lịch được 2 năm nay.

Nhưng anh đã có lượng khách khá và quyết tâm đầu tư cơ ngơi hút khách du lịch. "Trước đây tôi thường gặp nhiều đoàn khách vào bản khám phá và được họ nhờ dẫn đi tham cảnh đẹp thác nước, ruộng bậc thang hay những điểm săn mây. Dùng mạng xã hội, quảng bá, kết nối, mỗi khi khách tới bản họ lại tìm tới đây", anh Thím kể.

z4618995111259_0cb264051cf62672b5517872f819ad34

Giới thiệu cảnh đẹp ở bản khe tiền cho du khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Quang.

Nay anh Thím đã đầu tư, kéo wifi, sử dụng mạng xã hội để giới thiệu cảnh đẹp bản làng, dịch vụ du lịch của gia đình. “Qua "kênh” này, hình ảnh, video cảnh đẹp bản được giới thiệu, chia sẻ nhiều hơn, tôi cũng nhận được nhiều điện thoại, hỏi han và mời hướng dẫn, chỉ đường tham quan”- anh Thím cho biết.

Nhờ mạng xã hội mà ngày càng có nhiều khách biết và đến thôn Khe Tiền nói riêng, xã Đồng Văn nói chung. Ngoài lượng khách ghé bản, anh Thím có dự định lớn làm thêm nhà trình tường để làm điểm lưu trú, đón khách quốc tế vào Bình Liêu. Đó là chuyện với du lịch số của trưởng bản Dường Phúc Thím.

Tương tự là trường hợp anh thầy giáo dân tộc Tày đam mê du lịch, chủ homestay Hoàng Sằn. Khác với anh Dường Phúc Thím, thầy giáo Hoàng Văn Sằn "bén duyên” với du lịch hơn 10 năm nay và homestay của thầy Sằn luôn “full” khách phượt khắp nơi bởi sự nhiệt tình, thân thiện của chủ nhà. Thầy Sằn là một trong những người dùng facebook hiệu quả quảng bá điểm đến, những cảm xúc, thắng cảnh tuyệt đẹp của Bình Liêu.

Tới nay, “tài sản” của Hoàng Văn Sằn là cả vạn bức ảnh đẹp, video trên các nền tảng mạng xã hội. Tài khoản facebook Hoàng Sằn đã có gần 2.000 người theo dõi, số bạn online đã đạt mức giới hạn của facebook: 5.000 người. Hoàng Văn Sằn còn tham gia giới thiệu quảng bá cảnh đẹp quê hương trên diễn đàn "Phượt S2 triệu view" với 46.000 lượt người theo dõi.

Tới chuyển đổi số mạnh mẽ ở vùng cao biên giới Bình Liêu

Không chỉ có thầy Sằn, anh Thím, chúng tôi quan tâm và ủng hộ cách làm đúng đắn, sáng tạo của nhứng sứ giả du lịch qua nền tảng số này. Có thể nói, đây là cách tiếp cận thú vị và hiệu quả trong việc quảng bá du lịch Bình Liêu. Bởi, hiện tại chuyển đổi số hiện đã và đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch”- Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hoá-thông tin huyện Bình Liêu chia sẻ.

z4618995112561_1691f133304e2dbe0f18ce1cdbfcab72

Hạ tầng viễn thông được phủ sóng tại các bản làng vùng sâu, vùng xa nơi Biên giới, tạo điều kiện cho phát triển, quảng bá du lịch. Ảnh: Nguyễn Quang.

Ngoài ra, hiện còn không ít bạn trẻ, những sứ giả du lịch thời công nghệ số ở bản cũng thường xuyên quảng bá về Bình Liêu qua những bức ảnh đẹp, những video đặc sắc. Đó là những facebooker Bình Liêu kết nối với trên 10.000 tấm ảnh về Bình Liêu, facebooker Tiến Trưởng, Trương Hùng, Hoàng Đức Bằng…và nhiều người trẻ khác. Nhờ những sứ giả 4.0 này mà Bình Liêu được nhiều du khách khắp mọi miền đất nước đã biết tới huyện Bình Liêu.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Liêu cho biết, không chỉ du lịch, chuyển đổi số đã và đang từng bước thay đổi, tạo diện mạo mới cho vùng cao với nhiều bản bà con dân tộc thiểu số. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy Quảng Ninh và Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện năm 2023, Bình Liêu đã và đang đưa chuyển đổi số vào tất cả các mặt đời sống xã hội.

z4618995111614_37143040a84c8e51c1cf1917799a7176

Nhờ "Đại sứ du lịch thời 4.0" anh Hoàng Văn Sằn đã giới thiệu hiệu quả quảng bá điểm đến, những cảm xúc, thắng cảnh tuyệt đẹp của Bình Liêu cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: QMG

Đó là thực hiện phát triển dữ liệu số, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn; hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng. Đó là các phần việc phối hợp với các sở ngành triển khai số hóa các lĩnh vực như: Truyền hình trực tuyến xuống xã, nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); dữ liệu hộ tịch’; sàn giao dịch điện tử, hệ thống thông tin đất đai...

Huyện còn thực hiện phát triển chính quyền số như: cung cấp dịch vụ công trực tuyến; số hóa nhận và trả kết quả; sử dụng chữ ký số, đào tạo nhân lực công nghệ số...Đặc biệt huyện quan tâm, phát triển thực hiện kinh tế số, xã hội số...Trong đó, các doanh nghiệp đã sử dụng rộng rãi các nền tảng số để phục vụ cho các hoạt động trao đổi mua bán; sử dụng hợp đồng điện tử; nộp thuế điện tử…Trong đó, thương mại điện tử, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh; truy suất nguồn gốc nông sản…đã được huyện, các doanh nghiệp thực hiện tốt vài năm trước.

Về phát triển xã hội số, Bình Liêu thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng, sử dụng kết nối internet…được triển khai rộng tới cả các bản vùng sâu xa. Việc sử dụng tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử; thanh toán không tiền mặt…được triển khai tốt…

Có thể thấy, triển khai chuyển đổi số toàn diện trong các mặt kinh tế, đời sống…đã lan rộng tới các thôn bản, góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, một số mặt vẫn triển khai chậm, gặp nhiều hạn chế do hạ tầng trang bị còn thiếu, yếu kém. Để chuyển đổi số thực sự thay đổi thói quen, đi vào cuộc sống người dân cần khắc phục hạn chế, đưa tiện ích ứng dụng thiết thực vào cuộc sống bà con dân bản.