Ít ai biết rằng cách Địa đạo Củ Chi nổi tiếng khoảng 18km, trên vùng “đất thép” Củ Chi vẫn đang lưu giữ một căn hầm bí mật ẩn giấu bên trong ngôi nhà của một chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa.
Đó là căn hầm giấu vũ khí, che giấu cán bộ của ông Dương Văn Ten (còn gọi ông Chín Ten) - điểm trung chuyển vũ khí lớn trước khi được vận chuyển về nội đô phục vụ cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 lịch sử.
Bí mật ẩn bên trong ngôi nhà của chiến sỹ biệt động
Ngày nay, tại địa chỉ 110/8 đường Đoàn Triết Minh, ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vẫn còn một ngôi nhà vẹn nguyên với kiến trúc cũ được xây dựng từ hơn 60 năm trước.
Bên trong căn nhà ấy có một căn hầm bí mật, là điểm tập kết vũ khí trước khi chuyển vào nội đô phục vụ cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 và cũng là một căn cứ mật nuôi giấu các cán bộ, chỉ huy lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định khi xưa. Đó là căn nhà của chiến sỹ biệt động Dương Văn Ten (Chín Ten).
Hầm bí mật của ông Dương Văn Ten nằm ngay phía sau gian thờ có 1 lối lên xuống được ngụy trang ẩn dưới lớp gạch nền và 4 ngách thông các hướng ra ngoài, gồm 2 cửa hầm cách đường hầm chính khoảng 3m nằm dưới các bụi tre trong vườn và chuồng heo nằm sát rìa vườn.
Khoang hầm lớn được thiết kế nằm dưới chuồng bò có cửa lên và một ngách phụ thông ra bìa vườn.
Các cửa đường hầm được thiết kế sát với các khu vực cây cối rậm rạp (nay là các ruộng lúa) kết nối với các đường thoát ra bên ngoài.
Đường hầm cao khoảng 1m, dài khoảng 40m, trong đó có khoang hầm lớn khoảng 30m2 được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí và lưu trú, hội họp của cán bộ cách mạng lúc bấy giờ.
Hai bên vách hầm là đất sét pha đá ong, độ bền cao, ít bị sạt lở… đảm bảo độ an toàn cao.
Ông Dương Văn Ký (con thứ 5 của chiến sỹ biệt động Dương Văn Ten), cựu chiến binh xã Thái Mỹ cho biết trước đây, gia đình ông đã có 2 chiếc hầm trú ẩn nhỏ. Tuy nhiên, khi cha ông là ông Dương Văn Ten tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn, do nhu cầu cần cất giữ vũ khí để vận chuyển vào nội đô Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nên bắt đầu từ năm 1962, cha ông và các đồng chí quyết định sẽ đào một căn hầm lớn hơn ngay dưới nền nhà của gia đình.
Việc đào hầm được giao cho gia đình ông Chín Ten phụ trách. Kể từ đó, toàn bộ anh chị em, cô chú trong nhà đều được huy động đào hầm.
Bà Dương Thị Cám (con thứ tám của ông Chín Ten) nhớ lại: “Lúc đó tôi đã hơn 10 tuổi nên có tham gia cùng ba, các chú, bác và anh chị đào hầm. Chúng tôi đào hầm vào ban đêm vì ban ngày địch kiểm tra rất gắt gao. Việc đào hầm ban đêm khá vất vả, ngay cả ánh đèn cũng phải vặn xuống chỉ vừa đủ để địch không phát hiện. Mọi người phải thay nhau đào, vận chuyển đất ra ngoài, người này mệt thì gọi người khác vào thay. Đất sau khi được chuyển ra ngoài cũng được đổ vào những chỗ đất trũng trong vườn, lấy cỏ, cây phủ lên để ngụy trang.”
Cứ thế, việc đào hầm của gia đình ông Chín Ten kéo dài từ năm 1962 đến năm 1963.
Khi hầm hoàn tất thì vũ khí cũng bắt đầu được chuyển về. Không chỉ chứa vũ khí, nơi đây còn thường xuyên trở thành nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ biệt động. Lúc bấy giờ anh chị em bà Cám không còn xa lạ với việc thỉnh thoảng lại xuất hiện những người lạ đến nhà.
“Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ cảnh giới, khi phát hiện có địch đến thì báo cho cán bộ xuống hầm, đậy nắp và ngụy trang xóa dấu vết. Những lần địch đóng quân dài ngày ở khu vực này thì toàn bộ các cán bộ đều phải ẩn nấp trong hầm và tôi là người tìm cách đưa cơm tiếp tế,” bà Cám kể lại.
Sau này, bà Cám mới biết trong số những cán bộ từng họp, ẩn nấp dưới hầm của nhà mình có những người là cán bộ cấp cao như ông Hai Phụng (Thiếu tướng Tư lệnh Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định), ông Ba Đen (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thanh Vân - người chỉ huy đội biệt động đánh vào Sứ quán Mỹ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968), Hai Trí, Ba Phong, Bảy Sơn, Tư Tăng, Năm Mộc, Năm Lai...
Đến cả các cán bộ Trung ương Cục Miền Nam khi cần trú ém, hội họp, trao đổi công tác cũng ở đó và được vợ chồng, con cái gia đình ông Chín Ten hết lòng bảo vệ, tiếp tế.
Giai đoạn 1965-1966, khi chính quyền Miền Nam Việt Nam áp dụng chính sách “phá sạch, đốt sạch,” dồn dân vào ấp chiến lược với mục đích “làm trắng địa bàn” Củ Chi khiến cán bộ cách mạng không còn nơi trú ẩn, ông Chín Ten đã chủ động dỡ cột nhà, úp mái nhà xuống nền nhà cũ để che miệng hầm. Nhờ đó, căn hầm được giữ an toàn, không bị địch phát hiện.
Những chuyến xe đưa vũ khí vào nội đô
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1966-1967, theo chỉ đạo của cấp trên, ông Ten bắt đầu đón nhận, tập kết vũ khí rồi tìm cách vận chuyển vào nội đô Sài Gòn chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu thân 1968.
“Lúc đó ba tôi nhận vũ khí từ Trung ương Cục Miền Nam về cất giấu ở hầm, sau đó từ từ vận chuyển bằng xe bò của bác Năm (ông Dương Văn Đây, anh ruột của ông Dương Văn Ten) chở ra Quốc lộ 22 và tiếp tục giao cho ông Ba Bảo (ông Nguyễn Văn Bảo), Năm Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai - huyền thoại của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định) từ Sài Gòn lên nhận và đưa về nhà của ông Năm Lai ở Quận 3,” bà Cám nhớ lại.
Do ông Ten có nghề xây dựng và làm đồ gỗ nên đã sử dụng vỏ bọc này để cất giấu vũ khí bên trong xe chở gỗ, đồ mộc để vận chuyển về nội đô.
Ngoài ông Ten, ông Đây, các con của ông Ten như bà Hai Phiên, bà Tám Cám… đều tham gia vào việc ngụy trang, vận chuyển vũ khí, làm giao liên, nuôi giấu cán bộ.
Nhớ về những ngày tháng đó, bà Cám cho hay chị Hai Phiên (Dương Thị Phiên - giao liên Biệt động Sài Gòn) là người tham gia tích cực nhất vào việc nuôi giấu cán bộ, thông tin liên lạc, vận chuyển vũ khí hồi ấy.
Bà Hai Phiên cùng các chị em khác chẻ gỗ moi ruột, đan cà tăng, đan giỏ cần xé hai đáy... để khéo léo ngụy trang vũ khí bên trong.
Còn ông Chín Ten thì chế tác ra bộ ván gỗ rỗng ruột bên trong chứa đầy vũ khí, cải tiến vách hông chiếc tủ thờ để giấu nòng khẩu cối 82mm dùng để bắn vào Dinh Độc Lập, nồi nấu bánh chưng có hai lớp đáy giấu chân khẩu cối 82mm. Sau đó, tất cả đưa lên xe bò vận chuyển về nội đô.
Hiện những vật chứng này đều được lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố.
Bằng con đường này, hàng chục tấn vũ khí từ căn hầm bí mật của ông Chín Ten đã vượt qua được hàng chục trạm kiểm soát của địch, vận chuyển suôn sẻ về nội đô Sài Gòn, tập kết tại hầm vũ chứa vũ khí của ông Năm Lai.
Ông Trần Vũ Bình, con trai của ông Năm Lai cho biết căn hầm của ông Sáu Ten tại ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi chính là một trong những cơ sở bí mật phục vụ cho Chiến dịch Mậu Thân 1968. Cha ông và các đồng đội thường xuyên tiếp nhận vũ khí từ đây và đưa về cất giấu ở nhà mình.
Sau Mậu Thân 1968, hầm bí mật của gia đình ông Chín Ten không bị lộ và tiếp tục trở thành nơi chứa vũ khí, nuôi giấu cán bộ, họp bàn của cách mạng, phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Ông Dương Văn Tròn, con trai út của chiến sỹ biệt động Dương Văn Ten, cho hay sau giải phóng, nhiều đồng đội của cha ông như Hai Phụng, Năm Lai, Ba Bảo, Ba Đen... ngày xưa cũng thường xuyên lui tới nhà mình, cùng ôn lại kỷ niệm của một thời hoa lửa.
Trước khi qua đời, ông Chín Ten luôn dặn dò con cháu phải giữ nguyên ngôi nhà và căn hầm bởi đây là chứng tích về những tháng ngày chiến đấu mưu trí và ngoan cường của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Nhớ lời cha, anh chị em ông Tròn bao năm qua vẫn giữ gìn ngôi nhà và căn hầm một cách nguyên vẹn.
“Thỉnh thoảng có các đoàn khách tới tham quan, tìm hiểu về căn hầm, mỗi lần như thế tôi lại được dịp kể về những tháng ngày cả gia đình chúng tôi sôi nổi hoạt động cách mạng. Anh em chúng tôi rất vui vì đã thực hiện được tâm nguyện của cha mình, biến nơi đây thành nơi cất giấu ký ức đấu tranh hào hùng của thế hệ cha anh,” ông Dương Văn Tròn chia sẻ./.
Nguồn: Chuyện chưa kể về căn hầm bí mật của chiến sỹ biệt động Sài Gòn | Vietnam+ (VietnamPlus)