Chuong trinh VJEPA: Co hoi cho dieu duong lam viec lau dai o Nhat Ban hinh anh 1Điều dưỡng viên, hộ lý người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Sau 10 năm thực hiện, Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được phía Nhật Bản đánh giá cao. Các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng rộng mở của lao động Việt Nam trong ngành nghề này tại Nhật Bản.

Ứng viên Việt được đánh giá cao

Tham gia chương trình VJEPA, anh Vũ Văn Minh đã đến làm điều dưỡng ở Bệnh viện Đại học Y Saitama (Nhật Bản). Thời gian đầu, anh Minh rất bỡ ngỡ do tiếng Nhật học tại Việt Nam khác với tiếng địa phương ở Saitama. Để hoàn thiện mình, mỗi ngày anh Minh bỏ thêm 2 giờ để học tiếng địa phương.

Anh Minh chia sẻ nhờ học tập chăm chỉ, dần dần anh Minh đã đọc, viết, giao tiếp thoải mái với đồng nghiệp và được tham gia trực tiếp vào quá trình khám chữa bệnh và điều trị ở đây.

Cũng tại Bệnh viện Đại học Y Saitama, anh Thân Văn Đạt là điều dưỡng người Việt luôn được các đồng nghiệp rất nhiệt tình giúp đỡ bởi sự ham học hỏi, nhanh nhẹn. Sau khi được chỉ dẫn và trở nên thuần thục trong công việc, cả khoa đều mong anh Đạt ở lại làm việc lâu dài.

“Mình sang bên này vừa học được kỹ thuật về y tế tiên tiến vừa có cuộc sống ổn định về thu nhập. Đây là những điều mà trước đây mình kỳ vọng và đều đã đạt được,” anh Đạt chia sẻ.

Bà Mika Suzuki, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Đại học Y Saitaman đánh giá các ứng viên Việt Nam làm việc rất tập trung, ham học hỏi và luôn nỗ lực. Tiếng Nhật của các ứng viên Việt Nam tiến bộ rất nhanh. Các ứng viên Việt Nam có thể giao tiếp với cả bệnh nhân không chỉ là giao tiếp hằng ngày mà còn có thể nghe điện thoại để tư vấn cũng như hỗ trợ các nhu cầu mà bệnh nhân cần.

“Các ứng viên Việt nam hòa nhập rất nhanh với văn hóa của Nhật Bản. Ví dụ như gặp người Nhật thì biết thể hiện nghi lễ. Chúng tôi rất vui khi được tiếp nhận các ứng viên Việt Nam,” bà Mika Suzuki chia sẻ.

[Nâng cao chất lượng đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài]

Tại Đại học Y Saitama, cả 8 điều dưỡng Việt Nam làm việc tại đây đều thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là những điều dưỡng này sẽ có quyền ký hợp đồng với tất cả các cơ sở y tế của Nhật Bản và làm việc lâu dài tại đây.

Chuong trinh VJEPA: Co hoi cho dieu duong lam viec lau dai o Nhat Ban hinh anh 2Anh Vũ Văn Minh đã đến làm điều dưỡng ở Bệnh viện Đại học Y Saitama (Nhật Bản). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ các ứng viên ở Đại học Y Saitama có thành tích tốt, tỷ lệ thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia Nhật Bản ngay trong lần thi đầu tiên của các ứng viên trong chương trình VJEPA rất cao đã khiến uy tín và hình ảnh điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản đang được phía bạn đánh giá cao.

Việt Nam và Indonesia, Philippines là ba quốc gia trong khu vực ASEAN có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội với trên 70% với ứng viên điều dưỡng và trên 90% với ứng viên hộ lý thi đỗ, đây là tỷ lệ đạt chứng chỉ cao nhất trong các nước phái cử. 

Tuyển thêm 240 ứng viên

Tính từ 2012 đến nay, Chương trình VJEPA đã triển khai được 10 khóa, tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 2.012 ứng viên ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam để đi làm việc tại Nhật Bản. Có gần 1.700 ứng viên của 9 khóa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản và hiện nước này vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thêm điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam sang làm việc.

Ông Kumagai Kazumasa, Chủ tịch Tập đoàn Koifukl, tỉnh Yamanashi cho biết: "Trong hiệp hội của chúng tôi, nhiều nơi không đủ điều dưỡng, họ đã nhờ tôi giới thiệu các ứng viên từ Việt Nam sang làm việc. Tôi hy vọng cả hai Chính phủ sẽ sớm thúc đẩy mở rộng tuyển dưỡng, hộ lý."

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết Nhật Bản hiện đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nhận hồ sơ tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản khóa 11 với số lượng chỉ tiêu là 240 người. 

Đặc biệt, các ứng viên được chọn sẽ được hai Chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí 1 năm học tiếng Nhật, ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương từ 160.000-180.000 yên/tháng (tương đương 26 triệu-30 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

Theo ông Phạm Viết Hương, Chương trình VJEPA có quy mô tuyển dụng hàng năm với số lượng chưa nhiều nhưng đây là một chương trình chất lượng cao được cơ quan Nhà nước hai bên trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu. Các ứng viên sẽ tham gia thi và đạt được chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại đây./.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp tục nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đến hết ngày 31/10/2022. Các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình tuyển chọn khóa 11 có thể nộp hơ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc gửi qua bưu điện theo địa chỉ 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (hồ sơ được hướng dẫn trên website www.dolab.gov.vn).

 

Hồng Kiều (Vietnam+)