Chung khoan noi lai mach tang trong phien giao dich ngay 2/8 hinh anh 1(Nguồn: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán Việt Nam nối lại mạch tăng trong phiên hôm nay (2/8), cùng thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hàng trăm tỷ đồng.

Giới phân tích nhận định thị trường chứng khoán đang được trợ lực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cải thiện hơn so với quý 1. Cùng đó, lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, kênh chứng khoán sẽ thu hút ngày càng nhiều dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, VN-Index tăng 2,87 điểm lên 1.220,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 940,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 19.176,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 237 mã tăng giá, 226 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,96 điểm lên 241,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 96,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.634,5 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 96,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.634,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 103 mã tăng giá, 75 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,67 điểm lên 90,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 75,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.140,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 155 mã tăng giá, 135 mã giảm giá và 84 mã đứng giá.

[Chứng khoán Việt Nam liên tiếp đón nhận phiên giao dịch tỷ USD]

 

Về diễn biến thị trường hôm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết rung lắc quanh mốc tham chiếu, VN-Index giảm điểm về sát khu vực 1.210 ngay từ khi mở cửa phiên sáng, với áp lực điều chỉnh nhẹ đến từ hầu hết các nhóm ngành.

Trước diễn biến dao động mạnh ở phiên trước, nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khiến cho chỉ số chung chỉ giằng co với biên độ hẹp và chưa xác nhận xu hướng rõ ràng.

Đến 13 giờ 30 phút, thanh khoản mua và bán chủ động gần như tương đương nhau cho thấy sự cân bằng giữa bên mua và bên bán. Tuy lực cầu không quá lớn nhưng vẫn duy trì được sự phân hóa và tìm đến các nhóm ngành riêng lẻ có thể kế đến như dầu khí, bán lẻ.

Chốt phiên hôm nay, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, cao su ngập trong sắc xanh.

VCBS nhận định, với diễn biến hiện tại, trong các phiên tới, thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa và bật nảy về mặt điểm số, nhưng rủi ro trong ngắn hạn đã gia tăng và VN-Index có thể sẽ có những phiên điều chỉnh bất ngờ.

Lý giải về việc thanh khoản thị trường chứng khoán tăng cao trong thời gian gần đây, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, kênh chứng khoán sẽ thu hút ngày càng nhiều dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân.

VNDIRECT còn kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay duy trì đà giảm trong nửa cuối năm 2023. Thực tế, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã lập đáy mới trong tháng 7/2023.

VNDIRECT cũng dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng năm 2023 giúp giảm bớt áp lực huy động vốn; Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

Theo VNDIRECT, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đà tăng kéo dài sẽ gặp thách thức khi thị trường sắp bước vào vùng trũng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.

Đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng 8 nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý 2 so với quý 1 tại một số cổ phiếu trụ cột, nhưng khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8.

Theo VNDIRECT, tính đến ngày 31/7/2023, có 972 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 92% vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm 11,7% so với cùng kỳ.

Ngành dịch vụ tài chính có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến, tăng 728% so với cùng kỳ và đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng toàn thị trường.

Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng 96,1%, đóng góp 3,9 điểm % tăng trưởng thị trường, chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý 2/2023 vượt trội của VHM đạt 9.652 tỷ đồng, tăng tới 1.348,3% so với cùng kỳ.

Ngược lại, ngành hóa chất giảm 64,1% so với cùng kỳ, ngành dầu khí giảm 74,3%, ngành kim loại giảm 71,8% gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường, bởi giá các loại hóa chất (phốt pho), kim loại (thép xây dựng) đều giảm mạnh.

Bên cạnh đó, do biên lợi nhuận lọc hóa dầu co lại về mức trước khủng hoảng Nga-Ukraine khiến lợi nhuận các công ty lọc hóa dầu suy giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bức tranh lợi nhuận quý 2/2023 tuy ảm đạm,nhưng cũng đang cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi so sánh với mức giảm 21% lợi nhuận so với quý 1/2023.

VNDIRECT cho rằng vùng 1.240 (+/-10 điểm) có thể là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong tháng 8. Trong trung hạn, chuyên gia công ty chứng khoán này vẫn lạc quan về xu hướng thị trường do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đi đến giai đoạn cuối; Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023.

Tuy nhiên, VNDIRECT cũng chỉ ra rằng, rủi ro giảm điểm có thể đến từ rủi ro tỷ giá ngoài tầm kiểm soát, điều này có thể kích hoạt đà rút vốn của nhà đầu tư./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)