Chuẩn bị thế nào tốt nhất cho những chuyến vươn khơi?

09:03 - 04/10/2021

Tạp chí GTVT - Để đảm bảo cho những chuyến vươn khơi của bà con ngư dân đạt hiệu quả cao, công tác bảo dưỡng, chuẩn bị tốt về máy móc, vật tư thiết bị là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

 

tim kiem cuu nan.
Ảnh minh họa

Việc gặp sự cố hỏng hóc trong quá trình hành hải, đánh bắt cá xảy ra khá thường xuyên đối với mọi loại hình tàu đánh cá, không phân biệt tàu mới hay tàu cũ. Các hỏng hóc kỹ thuật có thể xảy ra trong bất kỳ thời gian, địa điểm và mọi yếu tố thời tiết, trong đó thường gặp nhất là gãy trục láp, chân vịt tàu bị cuốn lưới, cuốn rong, hỏng máy, tàu bị thấm nước… Để xử lý tốt nhất các tình huống này, trước hết ngư dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về máy tàu và các bộ phận tạo nên con tàu.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là các thợ máy trên tàu phải được đào tạo cơ bản, chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống hỏng hóc. Bên cạnh đó, trong các chuyến đi khơi, tàu cũng nên mang theo các thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế, sửa chữa. Dẫu rằng việc đó có thể gây ra sự tốn kém về kinh phí, tăng trọng tải tàu, làm giảm sản lượng đánh bắt, nhưng nếu tàu của ta bị hỏng hóc, không có vật tư, phụ tùng sửa chữa, thay thế thì thiệt hại gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều.
Để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến hành trình, tàu nếu được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng sẽ ít xảy ra sự cố, hỏng hóc hơn và bà con cũng sẽ yên tâm hơn khi đi biển. Đừng ngần ngại tiết kiệm chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng tàu bởi việc tiết kiệm chi phí này có thể gây nên lợi bất cập hại. Một con tàu được đăng kiểm thường xuyên, đúng định kỳ sẽ rất có lợi thế đối với các chính sách bảo hiểm cũng như việc nhận biết tình trạng kỹ thuật của tàu, giúp bà con kịp thời giải quyết các hỏng hóc, sự cố trước khi nó xảy ra. Việc duy tu, sửa chữa trên bờ tất nhiên sẽ rẻ hơn nhiều so với việc bà con phải sửa chữa tạm thời trên biển rồi sau đó lại phải đưa tàu về bờ để sửa chữa lại. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tự bảo vệ, chăm sóc con tàu cũng như sinh mạng của mình một cách hợp lý, không nên có tâm lý ngại ngần do thủ tục hay tiết kiệm chi phí thái quá.
Công tác chuẩn bị phòng tránh, chuẩn bị như thế nào thì sự cố, hỏng hóc vẫn có khả năng xảy ra. Hãy tự giúp mình trước khi trông chờ người khác giúp. Các kinh nghiệm, kỹ thuật về máy móc, chống cháy, chống chìm, chống thấm luôn đắc dụng trong việc xử lý các sự cố, hãy tự trang bị các kiến thức đó cho mình và các bạn nghề, nắm vững các thông số kỹ thuật của tàu, tình trạng, đặc tính tàu trước và trong khi ra khơi là những điều hết sức cần thiết. Khi việc tự khắc phục trên tàu là điều không thể thì bà con hãy yêu cầu sự trợ giúp từ các tàu bạn xung quanh và luôn sẵn sàng trợ giúp các tàu xung quanh khác khi có thể. Bà con không nên quá tiết kiệm điện ắc quy cho máy thông tin liên lạc. Các loại máy thông tin liên lạc trên tàu nên thường xuyên được trực canh trên các tần số thông dụng, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có người cần được giúp đỡ, cũng như vậy đối với trường hợp chính ngư dân mình bị sự cố, cần sự trợ giúp.
Ngay khi các tàu bị tai nạn, sự cố trên biển, hãy thiết lập và duy trì liên lạc với Đài Thông tin duyên hải gần nhất, qua đó Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải hoặc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm khác có thể nắm bắt, theo dõi tình hình của ngư dân và kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng khi tàu gặp tai nạn, sự cố trong điều kiện thời tiết xấu, biển động, mưa bão vì những lúc như vậy tính mạng của ngư dân rất dễ gặp nguy hiểm.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nằm trong Hệ thống Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia với mạng lưới gồm 4 trung tâm khu vực đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu, chịu trách nhiệm thu nhận và tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn các tình huống tai nạn, sự cố trên toàn bộ vùng biển Việt Nam. Cùng với lực lượng của Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, các cảng vụ hàng hải trong cả nước và các địa phương ven biển, các lực lượng sẽ phối hợp để tổ chức con người, phương tiện ứng cứu kịp thời, hiệu quả mọi trường hợp tai nạn, sự cố của tàu thuyền ngư dân gặp nạn trên biển Việt Nam.

PV

http://www.tapchigiaothong.vn/chuan-bi-the-nao-tot-nhat-cho-nhung-chuyen-vuon-khoi-d92693.html