Chua co bang chung ve loai dong vat la vat chu lay truyen SARS-CoV-2 hinh anh 1Hình ảnh từ kính hiển vi virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/4, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, ông George Fu Gao, tuyên bố đến nay chưa có bằng chứng về loài động vật là vật chủ lây truyền virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Phát biểu tại một hội nghị diễn ra ở thủ đô London của Anh về công tác ứng phó với đại dịch trong tương lai, ông George F.Gao cho biết nhiều người vẫn nghĩ rằng một số loài động vật là vật chủ hoặc trung gian truyền virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng về loài động vật được cho là nguồn gốc gây ra virus này.

[WHO: Khó có khả năng vật nuôi lây truyền virus SARS-CoV-2 sang chủ]

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu rõ các bằng chứng cho đến nay nghiêng về giả thuyết virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật, có khả năng là dơi.

Tháng trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã đăng tải dữ liệu về COVID-19 từ những ngày đầu bùng phát dịch lên hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu.

Dữ liệu bao gồm kết quả giải trình tự ADN của hơn 1.000 mẫu vật thu thập từ môi trường và động vật vào tháng 1/2020 tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

 

Dữ liệu cho thấy ADN của nhiều loài động vật, trong đó có con lửng chó, có trong các mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo một nhóm nghiên cứu quốc tế, việc tiếp xúc trực tiếp với động vật có khả năng là cách lây lan dịch bệnh.

Ông George F.Gao cho rằng thế giới cần tăng cường hợp tác để ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai, đặc biệt là ngăn chặn phát tán thông tin sai lệch.

Nhà virus học và miễn dịch học này là người đứng đầu CDC Trung Quốc khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Trước đó, trong một bài viết trên tờ The Daily News (của bang Texas, Mỹ) số ra ngày 14/9/2021, giáo sư Norbert Herzog và giáo sư David Niesel của Đại học Y Texas Medical Branch khẳng định rất có thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ loài dơi và đã lây nhiễm sang con người. Sau đó, chúng đã có một sự thích nghi di truyền và gây ra đại dịch COVID-19.

Lần đầu tiên một chủng corona virus có nguy cơ gây ra một đại dịch là vào năm 2002 và 2003, khi chủng virus SARS-CoV đã làm cho khoảng 8.000 người nhiễm. Chủng virus này có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa và lây nhiễm sang các vật chủ trung gian như gấu mèo và cầy hương, trước khi lây nhiễm vào con người.

Thông thường, khi virus chuyển từ một vật chủ này sang vật chủ khác, chúng phải thích nghi và biến đổi để lây nhiễm hiệu quả hơn và sinh sôi trong tế bào của vật chủ mới. Đôi khi, các vật chủ mới là vật chủ cuối cùng hoặc gây những ổ bùng phát nhỏ, nhưng thỉnh thoảng sự kết hợp giữa các biến thể có thể bắt đầu một đại dịch.

“Họ hàng” gần nhất của chủng virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học phát hiện chính là virus tìm thấy ở loài dơi móng ngựa và một họ hàng gần khác đã được phát hiện trên loài tê tê, một loài thú có vảy ăn kiến.

Virus này thuộc một tập hợp con của coronavirus, mang tên sarbecovirus, có thể lây nhiễm sang động vật có vú rất dễ dàng./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)