Chú trọng lựa chọn công nghệ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

11:13 - 25/09/2024

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu chú trọng lựa chọn công nghệ xây dựng cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng ngành Công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phát biểu tại Phiên họp thứ ba của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác, nhấn mạnh đã đến thời điểm hệ thống đường sắt phải đi trước trong định hướng phát triển đô thị.

Do đó, Đề án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải "trả lời được một số câu hỏi lớn." Theo đó, các vấn đề trọng tâm được Phó Thủ tướng nêu là: những dự án, công trình phải làm ngay; công tác nghiên cứu, quy hoạch, chuẩn bị, thiết kế hạ tầng đường sắt cho đô thị; tính thống nhất với mạng lưới đường sắt tốc độ cao của cả nước; lựa chọn công nghệ xây dựng công trình ngầm, đầu máy, toa xe, quản lý, vận hành, đào tạo nhân lực, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư... nhằm xây dựng ngành Công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao nội dung dự thảo hai Đề án phát triển đường sắt đô thị của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, vừa thống nhất, vừa có cách tiếp cận, phân kỳ thực hiện phù hợp đặc thù của từng địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thiện hai Đề án để báo cáo Bộ Chính trị. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung làm rõ bối cảnh, tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại mỗi thành phố; bổ sung quy hoạch không gian ngầm cho đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; huy động vốn đầu tư; căn cứ xác định định mức kinh tế kỹ thuật; lựa chọn công nghệ và khả năng tự chủ trong chế tạo thiết bị, mô hình quản lý điều hành hệ thống, đào tạo nguồn nhân lực...

Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù đã có, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đề xuất cụ thể những nhóm cơ chế, chính sách chung, cần thiết cho cả hai địa phương để phát triển đường sắt đô thị; cơ chế huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác; mức độ an toàn khi huy động vốn vay đối với ổn định kinh tế vĩ mô...

Sẽ đề xuất một số cơ chế, nhóm chính sách đặc thù

Trước đó, báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết về tiêu chí kỹ thuật, mạng lưới đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khổ đường 1.435mm, đường đôi. Tốc độ thiết kế 80-160km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.

ttxvn_PTT Tran Hong ha-duong sat do thi.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Dự kiến, đến năm 2035, hai thành phố hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580km. Năm 2045 hoàn thành khoảng 369 km (Hà Nội thêm khoảng 200km; Thành phố Hồ Chí Minh khoảng thêm 168km). Năm 2060 hoàn thành thêm hơn 158km tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai thành phố phấn đấu đến năm 2035, đường sắt đô thị chiếm 30-35% thị phần vận tải hành khách công cộng và tăng lên 55-70% sau năm 2035.

Tại Phiên họp, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các tuyến đường sắt đô thị đã được nghiên cứu bước đầu, chuẩn bị quy hoạch không gian ngầm, quỹ đất, tính toán các khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến (TOD), kết nối với tuyến đường sắt quốc gia cũng như các đầu mối giao thông lớn...

Ngay sau khi đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được cấp thẩm quyền phê duyệt, hai địa phương sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị các dự án đầu tư theo lộ trình; đặc biệt là đề xuất một số cơ chế, nhóm chính sách đặc thù.

Dự kiến, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị là ngân sách địa phương, vốn vay, ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn hợp pháp khác; đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga kết hợp trung tâm thương mại, phương tiện khai thác.

Bên cạnh đó, hai thành phố sẽ thành lập, kết hợp tận dụng tối đa nhân lực hiện có, phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện đào tạo nhân lực; kết hợp với các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao để phát triển công nghiệp đường sắt.../.

Nguồn: Chú trọng lựa chọn công nghệ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh | Vietnam+ (VietnamPlus)